Hesperian Health Guides
Trao đổi với những người lao động về vấn đề họ quan tâm
HealthWiki > An toàn vệ sinh lao động > Chương 3: Tổ chức ra các nhóm để cải thiện sức khỏe của người lao động > Trao đổi với những người lao động về vấn đề họ quan tâm
Khi bạn cảm thấy đã sẳn sàng để có thể tổ chức được một cuộc họp chính thức, hãy bắt đầu từ những nhóm nhỏ những người bạn cảm thấy tin tưởng và thực sự quan tâm tới các vấn đề. Hãy chọn một địa điểm nằm ngoài nhà máy và mời họ tới họp. Cuộc họp đầu tiên tốt nhất là trong nhóm nhỏ. Những nhóm nhỏ sẽ hữu ích khi những người tham dự thuộc nhiều nền văn hóa khác nhau, nói đa dạng ngôn ngữ, là thành phần nhiều dân tộc hoặc những người nhập cư. Cuộc họp đầu tiên nên mời riêng lao động nam và lao động nữ, vì như vậy những người lao động nữ sẽ cảm thấy được tự do đóng góp ý kiến vào những vấn đề họ quan tâm. Lâu dần, khi tổ chức của bạn phát triển, sẽ nhận được sự tin tưởng của nhiều thành phần lao động khác nhau.
Trong các cuộc thảo luận với những người lao động khác, hãy tạo ra nhiều không gian và dành nhiều thời gian để cho họ được trao đổi về những vấn đề làm họ khó chịu và những vấn đề họ nghĩ là quan trọng. Có cái nhìn bao dung với những người không muốn tham gia trao đổi ý kiến và đặc biệt không được phân biệt đối xử với họ khi họ không tham gia. Một số người cần thời gian để cân nhắc lại sự lựa chọn của họ.
Đôi lúc những vấn đề mà mọi người đề cập tới sẽ khiến bạn cảm thấy không thoải mái. Hãy cố gắng cởi mở lắng nghe ý kiến của họ và tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người khác khi mà bạn chưa tìm được cách để giải đáp những thắc mắc đó. Hãy nhớ rằng, vai trò của bạn không phải là để giúp đỡ họ giải quyết tất cả các vấn đề, mà là giúp họ nhận thức và tìm ra được cách giải quyết các vấn đề đó từ chính bản thân họ.
Mục lục
Hoạt động
Trao đổi trong các nhóm nhỏ
Mỗi một nhóm nhỏ sẽ có từ 1 đến 2 người phụ trách hoặc là bạn sẽ cử ra một số người phụ trách từ 1 đến 2 nhóm. Điều này cho phép người lao động có điều kiện phát huy khả năng lãnh đạo cũng như giúp cho việc thu thập thông tin diễn ra nhanh chóng.
Gặp mặt: Liên lạc với một số người lao động và hẹn gặp họ tại một nơi nào đó khi bạn muốn trao đổi với họ về các vấn đề. Tốt nhất nên chọn một nơi an toàn và dễ dàng đi lại.
Trao đổi về các vấn đề được quan tâm: Hãy hỏi về những vấn đề gây phiền toái cho người lao động hay đề cập tới sự việc mà bạn đang quan tâm. Cùng nhau thảo luận về điều kiện làm việc nào có hại nhất theo họ nghĩ hoặc có khả năng gây hại cho sức khỏe của họ.
Lắng nghe các vấn đề và đề xuất giải pháp: Cẩn thận lắng nghe các ý kiến về từng vấn đề, từng mối quan tâm được người lao động chia sẻ. Thảo luận về các mối quan tâm đó ảnh hưởng đến các nhóm lao động như thế nào. Đặc biết chú ý tới ý kiến của những lao động nữ hay các nhóm lao động thường xuyên chịu cảnh phân biệt đối xử như nhóm lao động nhập cư hay nhóm những người lao động khuyết tật.
Ghi chép những điều bạn học tập được: Đây là cách giúp ghi nhớ mọi thứ. Cố gắng ghi lại thật nhanh những nội dung quan trọng trong các cuộc thảo luận và viết ra những suy nghĩ của bạn sau mỗi cuộc thảo luận đó.
Tổng hợp lại các kết quả: Sau khi thảo luận với những người lao động về các vấn đề, cố gắng tổng hợp lại những điều bạn học được bằng cách trả lời một số câu hỏi như: Vấn đề nào thường xuyên xảy ra với nhiều người lao động? Vấn đề nào được người lao động nghĩ là vô cùng quan trọng? Vấn đề nào sẽ dễ dàng tìm ra phương án giải quyết? Bạn có cần sự giúp đỡ hay không? Nếu có, hãy khuyến khích các nhóm, tổ chức chủ động gặp các chuyên gia ATVSLĐ, tổ chức công đoàn, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức có kĩ năng và kinh nghiệm trong việc xử lý các vấn đề để có thể nhận được sự trợ giúp và tư vấn từ họ.
Đặt ra những câu hỏi trong khi khảo sát
Tiến hành một cuộc khảo sát sẽ giúp bạn thu thập được những thông tin chung nhất từ ý kiến của nhiều người và sẽ dễ dàng hơn trong việc so sánh các câu trả lời với nhau. Một cuộc khảo sát cũng có vai trò trong việc xây dựng mối quan hệ giữa các nhóm với nhau, giữa các thành viên trong nhóm và với những người lao động được tham gia trao đổi về các vấn đề.
Cuộc khảo sát sẽ ít bổ ích nếu thu thập các thông tin phức tạp. Những vấn đề này nên trao đổi trong nhóm khi có nhiều người tham gia. Các chủ đề trong cuộc khảo sát một-đối-một tốt nhất nên xoay quanh các vấn đề liên quan đến suy nghĩ và điều kiện làm việc khiến người lao động cảm thấy không được thoải mái.
Hãy đặt ra những câu hỏi mang tính thiết thực như: “Tuần trước bạn đã phải làm việc trong bao nhiêu giờ?” khi thấy trên da của họ xuất hiện những nốt phát ban hoặc nếu NLĐ bị người quản lý của nhà máy hạn chế cả thời gian đi vệ sinh.
Những phương pháp đơn giản nhất, thuận tiện nhất để thu thập thông tin luôn là những phương pháp hiệu quả nhất. Nếu bạn chỉ nghĩ ra một vài những câu hỏi đơn giản, thay vì phải tiến hành một cuộc khảo sát, bạn cũng có thể thu thập được thông tin thông qua những cuộc trao đổi ngắn với những người khác khi cùng ở trong căng tin.
Những cuộc khảo sát nếu chứa đựng quá nhiều các câu hỏi phức tạp sẽ rất khó thực hiện và phân tích những thông tin thu được. Mọi người thường có xu hướng muốn trao đổi nhiều hơn là những điều mà cuộc khảo sát muốn đề cập. Hãy lên một kế hoạch cụ thể để có thể lắng nghe tất cả ý kiến của mọi người, ghi chép lại và sau đó mời những người đó tới các cuộc gặp gỡ, các cuộc thảo luận sau để họ có cơ hội tiếp tục theo dõi và bám sát được các nội dung trước đó.
Khi thực hiện cuộc khảo sát, điều quan trọng là giữ cho những thông tin mà bạn thu thập được càng ít người biết càng tốt. Điều đó sẽ bảo vệ bạn và cả những người đã tham gia thực hiện cuộc khảo sát đó
Hoạt động
Tiến hành một cuộc khảo sát
Gặp gỡ: Hãy đề nghị sự giúp đỡ từ những người làm việc cùng với bạn. Hãy gặp họ ở những nơi mà bạn cảm thấy thoải mái để trao đổi và thảo luận về các vấn đề rắc rối tại nơi làm việc.
Trao đổi về những mối quan tâm: Bàn bạc với những người trong nhóm của bạn để lập ra danh sách những câu để hỏi người lao động sẽ tham gia vào cuộc gặp mặt đó. Hãy bắt đầu từ những vấn đề được quan tâm nhất tại nơi làm việc. Từ danh mục những vấn đề đó, hãy lựa chọn ra những vấn đề hay những mối nguy hiểm phổ biến nhất mà bạn nghĩ rằng cần phải ưu tiên làm sáng tỏ.
Tháng vừa qua, bạn có bị: Ngứa: Có/Không Đứt tay chân: Có/Không Đau: Có/Không Các vấn đề hô hấp: Có/Không |
Hãy đặt những câu hỏi cho cuộc khảo sát: Hãy tạo ra danh mục các câu hỏi cho những người tham gia. Khi bạn muốn đề cập tới một vấn đề cụ thể ở nơi làm việc, hãy luôn hỏi xem mức độ quan trọng của vấn đề cũng như xem xét sự quan tâm của họ trong việc giải quyết vấn đề đó. Nếu bạn có rất nhiều câu để hỏi, hãy nghĩ tới những câu nào mà bạn cho là quan trọng nhất. Những câu hỏi với dạng “Có hay Không” hay những câu dưới dạng nhiều đáp án trả lời sẽ khiến bạn dễ tổng hợp thông tin hơn là những dạng câu hỏi theo dạng mở. Không nên giới hạn phương án lựa chọn vì điều đó sẽ giúp bạn tìm ra được những người lao động thực sự nghĩ gì về vấn đề đó. Hãy cố gắng tiến hành khảo sát với những người lần đầu tiên được tiếp xúc với những câu hỏi được đưa ra. Nếu họ thấy những câu hỏi không được rõ ràng hoặc có nhiều câu hỏi quá, hãy viết lại những câu hỏi cho rõ nghĩa và rút bớt số các câu hỏi lại.
Lên kế hoạch cho cuộc khảo sát: Quyết định số người lao động sẽ tham gia vào cuộc khảo sát cũng như họ đến từ những phân xưởng nào trong nhà máy. Lên lịch cuộc gặp các thành viên trong nhóm để kiểm tra tiến độ của công việc. Dự kiến các tình huống sẽ xảy ra trong cuộc khảo sát để sẵn sàng đối phó với những diến biến bất chợt xảy ra. Lập kế hoạch cho cả việc sau cuộc khảo sát bạn sẽ thu được điều gì thông qua những câu hỏi, xem xét liệu những câu trả lời có giúp bạn đạt được những thông tin cần thiết hay không.
Tiến hành khảo sát: Vì có một số người lao động khả năng đọc hạn chế, bạn có thể hỏi trực tiếp và ghi lại câu trả lời.
Cùng với những người trong nhóm kiểm tra lại: Sau mỗi cuộc khảo sát, khi các thành viên trong nhóm gặp nhau, hãy để cho từng thành viên được nói về những người vui vẻ nhất hay thú vị nhất mà họ đã gặp trong quá trình khảo sát cũng như những người rất khó khăn mới có thể thuyết phục họ tham gia. Nếu trong đội có thành viên nào gặp khó khăn, hãy đề nghị những thành viên khác chia sẻ cách làm để việc khảo sát diễn ra thuận lợi hơn.
Tổng hợp kết quả thu được: Khi bạn đã thu thập đầy đủ thông tin, hãy kiểm tra lại các câu trả lời và phân loại chúng. Sau đó hãy tổng hợp lại những gì mà nhóm đã học được thông qua việc trả lời những câu hỏi: Mối nguy hiểm nào là phổ biến nhất mà những người lao động đã quan sát được hay trải nghiệm qua? Những mối nguy hiểm nào mà chỉ có duy nhất một nhóm lao động đã gặp phải? Các vấn đề sức khỏe liên quan đến công việc mà người lao động đang gặp phải? Điều gì khiến những người lao động quan tâm nhất? Điều gì mà họ mong muốn làm để thay đổi?
Lắng nghe ý kiến từ người lao động
Đã từng có một nhóm tổ chức hội thảo về các vấn đề về ecgônômi. Chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều điều từ việc làm thế nào để thiết kế công việc sao cho ít gây hại hơn. Khi sắp xếp các đồ vật cần dùng gần với vị trí làm việc hơn, chúng tôi sẽ hạn chế được việc phải đi lại trong nhà máy và cũng chính vì thế sẽ ít phải chịu những ảnh hưởng xấu hơn. Chúng tôi cũng được học về những cách xoa bóp, thư giãn cũng như các bài tập vận động để giúp cho cơ thể được khỏe mạnh hơn.
Khi giảng viên nói về những chấn thương từ việc lặp đi lặp lại nhiều lần các thao tác đó, chúng tôi mới hiểu rõ được vấn đề mà giảng viên muốn truyền đạt. Có rất nhiều người lao động như chúng tôi bị đau ở bàn tay vì phải làm những công việc đó! Vì vậy, khi quay lại nhà máy và trao đổi về vấn đề “Các chấn thương gây ra bởi những thao tác lặp đi lặp lại” cho những người khác, chúng tôi nghĩ rằng họ sẽ hào hứng khi được nghe về điều đó. Tuy nhiên, thay vì lắng nghe, họ lại bảo với chúng tôi rằng “Bạn đã hoàn toàn sai! Những gì chúng tôi mắc phải là bệnh viêm khớp, không phải từ nguyên nhân của những thao tác lặp đi lặp lại như vậy. Khi bạn làm việc nhiều và già đi, bạn cũng sẽ mắc các chứng bệnh liên quan tới viêm khớp và không gì có thể chữa được căn bệnh đó”.
Trong cuộc hội thảo sau đó, chúng tôi có phàn nàn với giảng viên về một số người lao động cùng trong nhà máy tỏ ra khá cứng đầu. Các chuyên gia đã giải thích rằng mỗi người có những quan điểm khác nhau về vấn đề sức khỏe. Vai trò của chúng ta là đánh giá, nhận định ý kiến của họ và sau đó giúp họ tiếp cận với những ý tưởng mới. Nếu chúng ta nói với họ rằng họ hoàn toàn sai, họ có thể sẽ không lắng nghe những điều chúng ta muốn nói. Chúng ta cần phải tìm ra những cách thuyết phục để giúp họ hiểu và tiếp cận với những vấn đề mới cũng như chỉ ra mối quan hệ giữa những vấn đề mới đó với những gì mà họ đã biết.
Thay vì phủ nhận hoàn toàn nhận định sai lầm của những người lao động khác về vấn đề viêm khớp, giảng viên đã đề nghị chúng tôi hỏi họ một số câu hỏi như: Bạn cảm thấy đau ở đâu? Bạn có cảm thấy ngứa, mệt mỏi hay những cảm giác khác ngoài những chỗ đau không? Khi bạn ngừng làm việc bạn còn cảm thấy đau không?
Những câu hỏi như vậy sẽ giúp những người lao động dần dần nhận ra được sự khác nhau giữa bệnh viêm khớp với các chấn thương gây ra do phải làm những công việc lặp đi lặp lại nhiều lần. Và sau khi họ nhận ra được điều đó, họ sẽ dễ dàng tiếp thu những thông tin mới hơn.
Giảng viên cũng nói với chúng tôi rằng nên mời mọi người tới để kiểm nghiệm những ý kiến mới cũng như chứng kiến cách mà các sự việc đó diễn ra trong thực tế. Đề nghị một số người cố gắng làm giảm các cơn đau của họ thông qua việc áp dụng một số thay đổi nhỏ ở nơi làm việc hoặc chỉ cho họ cách thư giãn cơ thể trong những giờ giải lao, điều đó giúp bạn minh họa rõ hơn về những điều diễn ra trong thực tế. Sau một thời gian áp dụng, hãy hỏi những người lao động về những thay đổi tích cực mà họ cảm nhận được.
Chúng tôi làm theo lời khuyên của giảng viên và những người lao động khác cũng tìm hiểu về những vấn đề có thể ảnh hưởng tới cơ thể của họ trong quá trình làm việc, đồng thời họ cũng thực hiện theo một số lời khuyên thay vì cứ phải chịu đựng nỗi đau. Trên tất cả, chúng tôi học được một bài học quý giá hơn, đó là: khi chúng tôi giúp những người khác tự hiểu bản thân họ thay vì giảng giải, chúng tôi sẽ thu được những kết quả tốt hơn cũng như xây dựng được một nhóm hoạt động mạnh mẽ và chủ động hơn.
Chia sẻ kinh nghiệm với các hoạt động lập bản đồ
Các hoạt động nhóm trong đó mời người lao động tới chia sẻ kinh nghiệm cũng như những quan sát của họ về cơ thể, công việc, cộng đồng của nơi họ sinh sống làm việc, là một cơ hội tốt để củng cố sự hiểu biết cho người lao động cũng như tạo điều kiện để họ được chia sẻ sự hiểu biết của mình về các vấn đề xảy ra ở nơi làm việc. Các hoạt động vẽ bản đồ sẽ giúp cho người lao động nắm được những vấn đề thường xuyên xảy ra. Điều này cũng giúp cho các nhóm khi đề xuất các giải pháp và tiến hành những hoạt động cần thiết trở nên dễ dàng và thuận tiện hơn.
Vẽ bản đồ cơ thể: Loại bản đồ này sẽ cho bạn biết “Bộ phận nào trên cơ thể bị đau do ảnh hưởng của công việc?”. Tất cả mọi người trong nhà máy đều được phép tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng bản đồ này. Cách tốt nhất để bạn khởi đầu câu chuyện là chỉ ra ngay trên cơ thể bạn đang bị đau ở đâu do công việc gây ra. Điều này sẽ giúp những người khác cảm thấy thoải mái và tự tin hơn khi nói về bản thân họ cũng như những vấn đề mà họ găp phải tại nơi làm việc của mình. Xem ví dụ về lập bản đồ cơ thể bản đồ cơ thể.
Vẽ bản đồ nhà máy của bạn: Hãy làm cho những người lao động cảm thấy thoải mái khi được trao đổi về các vấn đề xảy ra ở nơi làm việc, đồng thời vẽ bản đồ khái quát về nơi làm việc. Đánh dấu những khu vực làm việc, công việc và các quy trình sản xuất có thể gây nguy hiểm cho những người lao động, bao gồm cả người gây hại, ví dụ như người quản lý phân xưởng có tính lỗ mãng. Và dĩ nhiên phải đánh dấu lại những nơi mà có tai nạn lao động xảy ra. Việc vẽ bản đồ nơi làm việc sẽ giúp các nhóm tập trung vào những vấn đề cụ thể cũng như những khu vực cần chú trọng trong nhà máy. Từ đó, bạn sẽ dễ dàng trao đổi với họ về những giải pháp cụ thể hơn cho từng vấn đề. Bạn có thể tham khảo về ví dụ cho việc vẽ bản đồ nơi làm việc trong cuốn sách.
Vẽ bản đồ cộng đồng của bạn: Sau tiến hành các hoạt động nhằm tìm hiểu về vấn đề ô nhiễm được nêu, hãy tổng hợp các thông tin mà bạn thu thập thành một nhóm các vấn đề rồi sau đó vẽ bản đồ đường đi của ô nhiễm từ nhà máy lan tỏa ra cộng đồng như thế nào. Bạn có thể vẽ bản đồ về sự ô nhiễm trong nhà máy thông qua việc quan sát nơi chất thải sẽ được vận chuyển đến địa điểm nào sau khi được thu gom từ nhà máy và các vấn đề sức khỏe do ô nhiễm gây ra. Bằng cách chỉ ra mối quan hệ giữa nhà máy với môi trường xung quanh, bạn có thể thuyết phục người sống quanh khu vực hay các tổ chức cộng đồng trong khu vực đó ủng hộ cho chiến dịch của những người lao động trong việc cải thiện điều kiện lao động cũng như thuyết phục các tổ chức công đoàn thông qua các biện pháp cải thiện môi trường.
Hoạt động
Vẽ bản đồ cơ thể
Gặp gỡ: Tập hợp một nhóm các bạn đồng nghiệp rồi cùng nhau vẽ lên những chất liệu nào đó để dễ nhìn thấy. Bạn có thể vẽ bản đồ trên một tờ giấy trắng khổ lớn và bằng bút dạ, hoặc vẽ trên một tấm bảng đen bằng phấn trắng hay thậm chí vẽ trên một nền đất mềm và xốp bằng những viên đá.
Phác họa bản đồ cơ thể người: Phác họa một bản đồ cơ thể người trên giấy, trên bảng đen hay trên đất.
Đánh dấu và nói về các bộ phận trên cơ thể bị đau: Đề nghị mọi người đánh dấu vào những vùng trên bản đồ cơ thể mà họ cảm thấy đau mỏi do làm việc. Sau khi mọi người đánh dấu những vùng quan trọng trên bản đồ, hãy hỏi họ tại sao họ lại đánh dấu vào những vùng như vậy. Những đau mỏi nào mà họ phải chịu đựng? Những hoạt động nào trong quá trình lao động gây ra những sự đau mỏi đó? Hay những mối nguy hiểm nào gây ra những đau mỏi như vậy? Sau khi hỏi từng người một về cách lựa chọn của họ, hãy hỏi những người khác xem họ có bị đau mỏi như thế không.
Thảo luận về các mối nguy hiểm và các biện pháp khắc phục: Sau khi lắng nghe ý kiến chia sẻ của mọi người, hãy thảo luận xem những mối nguy hiểm nào ảnh hưởng đến hầu hết mọi người, những mối nguy hiểm nào được xem là rất nghiêm trọng, những vấn đề nào có thể dễ dàng được giải quyết và những vấn đề nào, theo ý kiến của nhóm, cần giải quyết trước. Hãy hỏi mọi người về các ý tưởng trong cách khắc phục các vấn đề.
Viết ra những điều bạn học được: ghi chép lại những đau mỏi được mọi người miêu tả, những mối nguy hiểm gây ra những đau mỏi đó cũng như những giải pháp được mọi người đề xuất. Hãy viết những điều này ở những khu vực mà những người khác có thể đọc được để họ có thể đóng góp thêm cũng như chỉnh sửa những ý kiến đã được bàn luận trước đó.
Dùng màu sắc: Hãy đánh dấu bằng các chiếc bút với màu mực khác nhau để thể hiện sự đa dạng của các vấn đề. Ví dụ, để biểu thị cho những vấn đề về ecgônômi bạn dùng bút màu đỏ, còn những vấn đề do sử dụng hóa chất bạn dùng bút màu xanh. Hoặc những người lao động làm cùng một khu vực đánh dấu cùng một màu. Việc sử dụng màu sắc khác nhau sẽ giúp cho bạn dễ dàng nhận ra loại vấn đề nào thường xảy ra nhiều hơn. Bạn cũng có thể sử dụng những mẩu giấy dán màu để đánh dấu những vùng bị đau trên cơ thể được phác họa trên bản đồ.
Hoạt động
Vẽ nhà máy của bạn
Gặp gỡ: Nên tập trung ở những nơi mà bản cảm thấy thoải mái khi trao đổi về các vấn đề nguy hiểm ở nơi làm việc. Sử dụng một khổ giấy lớn với những chiếc bút màu đặt ở trên bàn đề phác họa bản đồ (hoặc bạn có thể sử dụng bảng đen và phấn).
Phân chia nhóm lớn thành các nhóm nhỏ: Việc phân chia thành các nhóm nhỏ sẽ tạo điều kiện cho những người lao động được trao đổi cũng như phác họa được bản đồ từ chính sự hiểu biết của họ. Mỗi một nhóm sẽ chịu trách nhiệm giải thích cho những nhóm khác về bản đồ mà họ lập ra, như vậy sẽ cho chúng ta thấy được những quan điểm khác nhau về cùng một vấn đề xảy ra ở nơi làm việc.
Phác họa bản đồ khái quát về nhà máy: Yêu cầu các nhóm vẽ về những gì họ quan sát được nếu như họ được nhìn toàn bộ khung cảnh nơi làm việc từ trên mái nhà. Mỗi một tầng làm việc của nhà máy đều cần phải có bản đồ riêng. Bản đồ cũng bao gồm các bức tường, cửa ra vào, cửa sổ, các lối ra vào. Phác họa tất cả những gì liên quan tới khu vực làm việc, vị trí thao tác, máy móc sử dụng, khu vực của người quản lý và những người lao động khác và tất cả những điều liên quan mà những người lao động muốn quan sát.
Đánh dấu và trao đổi về những mối nguy hiểm: Yêu cầu các nhóm đánh dấu trên bản đồ những nơi nào mà họ đã gặp và đã nhìn thấy những mối nguy hiểm. Hãy dùng nhiều màu khác nhau để đánh dấu chúng. Ví dụ, để đánh dấu những khu vực có những mối nguy hiểm về vật lý như hỏa hoạn, điện giật, sàn nhà trơn trượt hoặc cầu thang hỏng… thì sử dụng bút màu đỏ. Dùng màu xanh để biểu thị cho những mối nguy hiểm về hóa chất, bụi trong nhà máy. Dùng màu vàng để biểu thị cho những những mối nguy hiểm về sinh học như đồ ăn ôi thiu, nước uống không sạch, hay nhà vệ sinh bẩn. Dùng màu xanh lá cây để biểu thị cho những áp lực người lao động phải chịu đựng từ những sự đe dọa, sự quấy rối hay bị đối xử không công bằng.
Xem lại một lượt bản đồ: Hãy để cả nhóm xem lại bản đồ từ trên xuống dưới một lần nữa và soát lại xem còn những mối nguy hiểm quan trọng nào bị bỏ sót không. Nếu có, hãy thêm những chi tiết đó vào trong bản đồ, sử dụng từ chú thích, màu hoặc hình vẽ để kí hiệu. Trao đổi với những người từng mất việc hoặc bị bệnh phải nghỉ việc do công việc gây ra, sau đó chú thích thêm vào bản đồ những khu vực mà họ đã từng làm việc.
Tổng hợp các mối nguy hiểm: Đặt ra những câu hỏi để tổng hợp các mối nguy hiểm được thảo luận, ví dụ: Những người lao động phải thường xuyên đối mặt với mối nguy hiểm nào? Những mối nguy hiểm nào thường chỉ xảy ra với một nhóm lao động? Mối nguy hiểm nào gây ra các vấn đề nghiêm trọng nhất?
Hoạt động
Vẽ bản đồ cộng đồng nơi bạn sinh sống
Mang theo giấy và bút chì, bút mực, hoặc bút đánh dấu để vẽ bản đồ. Hoặc sử dụng đá, que, và các chất liệu khác để vẽ bản đồ trên nền đất.
Gặp gỡ: Mời người lao động và thành viên cộng đồng đến để cùng làm một bản khảo sát về ô nhiễm trong cộng đồng như nói về việc mọi người tham khảo ý kiến các thành viên cộng đồng, tham quan cộng đồng, và chụp ảnh. Tất cả những hành động này đều giúp ích cho việc vẽ bản đồ.
Vẽ bản đồ: Yêu cầu mọi người vẽ bản đồ cộng đồng thể hiện vị trí các nhà máy và những nơi họ sinh sống, học tập, ăn uống, cũng như những nơi họ hay vui chơi. Đừng quên vẽ bản đồ nguồn nước, những nơi chứa nước, vùng trồng trọt, và nơi vứt rác thải của cộng đồng. Kích thước của các vùng trên bản đồ to hay nhỏ, tùy thuộc vào nhu cầu thể hiện của bạn.
Đánh dấu đường đi và ảnh hưởng của ô nhiễm: Hãy dùng màu (hoặc vật liệu) khác nhau để thể hiện từng loại ô nhiễm. Đánh dấu nguồn xuất phát ô nhiễm, cách di chuyển của từng loại ô nhiễm qua khu dân cư cũng như tác động của chúng đến sức khỏe con người.
- Nguồn phát sinh ô nhiễm: Liệu các nhà máy hoạt động trong cộng đồng đang làm ô nhiễm không khí, đất và nước? Những nhà máy nào đang gây ô nhiễm? Ô nhiễm ra sao? Hãy đánh dấu nguồn phát sinh ô nhiễm và cách thức nhà máy đó gây ô nhiễm. Cũng có một số loại hình ô nhiễm không nhìn thấy được bằng mắt thường.
- Dấu hiệu của ô nhiễm: Chất thải sẽ đi về đâu? Có phải chất thải và hóa chất đều được đổ xuống nước? Bạn có thể nhìn hoặc ngửi thấy khói hay hóa chất bay vào không khí không? Người và động vật sinh sống trong cộng đồng có tiếp xúc với chất thải nhà máy không? Hãy yêu cầu tất cả mọi người nói về các loại ô nhiễm cũng như cách thức họ tiếp xúc với ô nhiễm hàng ngày. Đừng quên lấy ý kiến của những người chịu trách nhiệm thu gom, dọn vệ sinh hoặc tái chế chất thải trong cộng đồng mà bạn đang sinh sống.
- Những người mắc bệnh: Đánh dấu các khu vực có người phản ánh về các vấn đề sức khỏe như phát ban, hen suyễn, các vấn đề về sinh sản, trẻ em bị khuyết tật bẩm sinh và ung thư, vì có thể ô nhiễm gây ra một số vấn đề sức khỏe mà khảo sát của bạn chưa bao trùm hết được. Hãy kiểm tra xem có bệnh nào xuất hiện “tập trung” ở một khu vực dân cư cụ thể không. Thông thường thì bạn sẽ thấy bệnh tập trung xuất hiện trong các cộng đồng nằm gần nhà máy nhất. Nhưng nếu nhà máy đó xả hóa chất hoặc các chất thải khác xuống sông thì các cộng đồng sinh sống ở vùng hạ lưu cũng có thể là các tụ điểm bệnh.
Xem lại một lượt: Hãy cùng nhau xem lại tổng thể bản đồ và tự hỏi liệu còn bỏ sót thông tin quan trọng nào không. Ví dụ, có thể mọi người muốn vẽ thêm các khu vực tái chế vật liệu trong cộng đồng cũng như muốn bàn luận về tình trạng ô nhiễm tại những vùng đó. Hoặc nói về những nguồn gây ô nhiễm lớn khác trong cộng đồng.
Lưu giữ thông tin và tóm tắt lại những gì bạn đã thu được: Nếu bạn vẽ bản đồ trên giấy, bạn hãy mang theo mình; nếu bạn vẽ bản đồ trên mặt đất, bạn hãy chụp lại. Hãy thảo luận về cách thức chia sẻ bản đồ cũng như những thông tin trong bản đồ với những người lao động, người dân sinh sống trong cộng đồng, quan chức chính phủ chịu trách nhiệm về môi trường và y tế công cộng, với truyền thông xã hội và các loại hình truyền thông khác. Làm cho mọi người quan tâm đến những vấn đề ô nhiễm bên ngoài do nhà máy gây ra sẽ giúp cho họ quan tâm đến những vấn đề xảy ra bên trong nhà máy và hỗ trợ cho việc xử lý các nguồn ô nhiễm.