Hesperian Health Guides

Chăm sóc sức khỏe tại nhà máy

Trong chương này:

Nhiều chủ nhà máy không cung cấp dịch vụ y tế tại nhà máy và dù họ có bố trí thì dịch vụ đó cũng có những hạn chế và đôi khi không được tốt. Chủ nhà máy trả lương cho bác sĩ và y tá làm việc trong phòng y tế của nhà máy, mặc dù họ không tham gia công tác quản lý nhưng có thể bị gây áp lực ưu tiên cho hoạt động sản xuất hơn là cải thiện sức khỏe của người lao động. Nhưng nếu họ có lương tâm thì chính họ sẽ là nguồn thông tin quan trọng và là đồng minh tốt cho người lao động.

Nếu không được chăm sóc đầy đủ, các bệnh nhẹ hoặc chấn thương có thể trở thành vấn đề lớn. Các chính sách của nhà máy về chăm sóc sức khỏe có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn vì chúng bao gồm các quy tắc khiến người lao động khó có thời gian nghỉ hoặc được trả lương khi đi khám bệnh trong khi họ cần có thời gian để chữa bệnh hoặc làm lành vết thương hoặc phải chăm sóc thành viên trong gia đình đang bị ốm. Các dịch vụ y tế đắt tiền cũng là trở ngại khiến người lao động không được chăm sóc y tế khi cần.

Chăm sóc và hỗ trợ người lao động bị chấn thương

Nhà máy phải trả chi phí y tế cho người lao động bị chấn thương khi làm việc bao gồm vận chuyển cấp cứu, chăm sóc chấn thương, căng thẳng mạn tính, các vấn đề sử dụng quá mức cơ khớp, và các vấn đề sức khỏe do tiếp xúc với hóa chất, tiếng ồn và nhiệt hoặc lạnh.

Các lớp học về sức khỏe

Một số tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động sắp xếp cho người lao động tham gia các lớp học tìm hiểu về HIV/AIDS, bệnh lao, sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe khác trong ngày làm việc. Chủ nhà máy ủng hộ cách làm này vì giúp người lao động bớt bị bệnh, giảm nghỉ việc và nhảy việc nhờ đó làm tăng năng suất của người lao động.

Nâng cao sức khỏe trong các nhà máy

Dự án HERproject của Chương trình doanh nghiệp vì trách nhiệm xã hội đã cố gắng cải thiện sức khỏe cho người lao động bằng cách đào tạo người lao động và nguwòi quản lý thành “các giáo dục viên đào tạo về sức khỏe đồng đẳng”. Dự án đã xây dựng một chương trình giảng dạy gồm 12 học phần để đào tạo người lao động với nhiều chủ đề khác nhau về sức khỏe bao gồm cả sức khỏe phụ nữ. Sau mỗi khóa học, người lao động chia sẻ nội dung mình đã học được với các đồng nghiệp khác.


Ở thành phố Ciudad Juárez, Mê-hi-cô, nơi người lao động thường gặp các bệnh như cao huyết áp và tiểu đường, 50 nhà giáo dục viên đồng đẳng đã được đào tạo để chia sẻ kiến ​​thức với 1.000 đồng nghiệp trong một nhà máy điện tử trong giờ nghỉ giải lao, nghỉ ăn trưa và trên xe buýt. Cùng với đó phòng y tế của nhà máy cũng tiến hành kiểm tra sức khoẻ để hỗ trợ giáo dục về sức khỏe bao gồm sàng lọc bệnh tiểu đường, ung thư vú và tử cung, cao huyết áp cũng như tiêm chủng, ngày hội sức khỏe và tư vấn cho lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ. Một trong những người tham gia cho biết “chương trình đã đem đến cơ hội cho lao động nữ để họ trở thành người đại diện nêu lên các vấn đề sức khỏe quan trọng đối của người lao động với lãnh đạo nhà máy”.

Sơ cấp cứu ban đầu và Chăm sóc y tế trong trường hợp cấp cứu

Ngay cả khi không có phòng y tế trong nhà máy thì cũng phải có các dụng cụ sơ cấp cứu và đào tạo để giúp bạn cùng với những người lao động khác ứng phó với những trường hợp cấp cứu. Việc đào tạo kỹ năng sơ – cấp cứu phải được tiến hành thường xuyên để phòng trường hợp không có người này thì còn có người kia ứng phó kịp thời.

Các dụng cụ sơ cấp cứu phải được bảo quản ở nơi an toàn, sạch sẽ trong nhà máy và phải đảm bảo người lao động có thể tiếp cận một cách dễ dàng. Tùy vào công việc đang làm, bộ dụng cụ sơ cấp cứu có thể bao gồm các dụng cụ khác nhau. Tuy nhiên nó vẫn phải đảm bảo đầy đủ các dụng cụ phục vụ cho mục đích sơ cấp cứu thông thường như khi bị bỏng, bị rách da, ngã, và một vài chấn thương khác. Ngoài ra, dụng cụ sơ cấp cứu chỉ phát huy tác dụng khi có người lao động hoặc người quản lý được đào tạo để sơ cấp cứu và trấn an người bị thương trong lúc chờ sự trợ giúp từ bên ngoài. Mỗi bộ dụng cụ sơ cứu phải có số điện thoại của các đơn vị cung cấp dịch vụ xe cứu thương, các bệnh viện và phòng khám trên địa bàn nhà máy hoạt động.

Hoạt động Một kế hoạch ứng phó khẩn cấp trong nhà máy của bạn

Sử dụng hoạt động Vẽ bản đồ nhà máy của bạn, để xác định một số nguy hiểm mà người lao động phải đối mặt. Sau đó tổ chức một cuộc thảo luận để tìm câu trả lời:

  • Người lao động thường bị chấn thương nhiều nhất ở bộ phận nào trên cơ thể?
  • Những máy móc nào là nguy hiểm nhất?
  • Người lao động bị chấn thương nhận được sự quan tâm và giúp đỡ nào?
  • Chủ nhà máy thực hiện những hành động nào để giải quyết vấn đề?
Sử dụng thông tin này cùng với các rủi ro đã biết như hỏa hoạn, sự cố về điện, động đất, v.v., trong chiến dịch của bạn để thúc giục chủ nhà máy của bạn xây dựng một kế hoạch ứng phó khẩn cấp cho nhà máy.

Một kê hoạch ứng phó khẩn cấp không chỉ bao gồm bộ dụng cụ sơ cấp cứu và phương pháp điều trị tại chỗ như rửa mắt hoặc tắm, mà cần phải có một hệ thống ứng phó để trả lời cho các câu hỏi sau:
  • Ai chịu trách nhiệm ứng phó ngay lập tức khi tình huống khẩn cấp xảy ra?
  • Người đó nên làm gì? Ví dụ: Họ có phải cắt điện đang kết nối với máy móc không? hoặc họ phải xử lý như thế nào nếu một người lao động bị chảy máu?
  • Họ có thể tìm trợ giúp thêm từ nhân viên y tế ở đâu?
  • Khi nào và làm thế nào để họ có thể vận chuyển người lao động bị chấn thương đến phòng khám hoặc bệnh viện?




Trang này đã được cập nhật: 05 tháng 1 2024