Hesperian Health Guides
Chuẩn bị để ứng phó hỏa hoạn
HealthWiki > An toàn vệ sinh lao động: Tài liệu hướng dẫn dành cho người lao động > Chương 11: Hỏa hoạn > Chuẩn bị để ứng phó hỏa hoạn
Tính mạng của người lao động có thể được đảm bảo nếu nhà máy có:
- thiết bị báo cháy có âm thanh đủ lớn để báo cho mọi người biết khi hỏa hoạn xảy ra vì người lao động tuy trong cùng một tòa nhà nhưng có thể không nhìn thấy hoặc ngửi thấy đám cháy cho đến khi đám cháy lan rộng. Thiết bị báo cháy cũng sẽ đánh thức người lao động ngủ trong khu tập thể tại nhà máy hoặc gần đó. Thường xuyên kiểm tra pin thiết bị báo cháy để đảm bảo thiết bị vẫn hoạt động tốt.
- cửa thoát hiểm mở ra phía ngoài và không được khóa khi có người trong tòa nhà. Lối thoát hiểm nên có đủ ánh sáng và có bảng chỉ dẫn. Trong tòa nhà cao tầng, có cầu thang để thoát hiểm; cầu thang cần có đủ ánh sáng, rộng và chắc chắn để người lao động có thể thoát ra một cách an toàn.
- lối đi dẫn trực tiếp đến cửa thoát hiểm. Lối đi rộng ít nhất 1 mét và có thể rộng hơn cho khu vực đông người. Điều quan trọng là để lối đi luôn thoáng, không bị chặn bởi hộp, giá và bình chứa.
- hệ thống phun nước trên cao với đầu báo khói, ống nước và nước. Hệ thống phun nước phải tự động kích hoạt khi hỏa hoạn xảy ra.
- bình chữa cháy nên được trang bị trong nhà máy. Bình phải được dán nhãn và để ở nơi dễ tiếp cận, kiểm tra bình thường xuyên và thay thế khi hết hạn. Bình chữa cháy cho phép người sử dụng dập tắt đám cháy nhỏ nhanh chóng và ngăn đám cháy không lan rộng. Chữa cháy bằng xô chậu thường không hiệu quả vì ít nước và cũng rất nguy hiểm khi sử dụng nước dập các đám cháy do chập điện, hóa chất hoặc dầu.
Đảm bảo mọi người lao động đều biết cách sử dụng bình chữa cháy. Khi sử dụng bình chữa cháy cần chắc chắn đám cháy một bên, đường thoát một bên để nếu không dập tắt được đám cháy cũng không bị kẹt trong đó. Đóng các vai để luyện tập cách chữa cháy.
Ba điều kiện cần và đủ để sinh ra sự cháy là:
- có ngọn lửa, tia lửa điện, vật dụng nóng sinh ra lửa
- nhiên liệu (vật liệu) để cháy
- oxy cho quá trình cháy
Khi bạn loại bỏ hoặc ngăn chặn một trong những yếu tố trên thì không thể có đám cháy. Điều quan trọng là phải biết và thực hành cách dập tắt lửa, nhưng cũng phải thực hành cách thoát hiểm khỏi nhà máy nhanh chóng khi có hỏa hoạn.
Cháy nhà máy: Thảm họa có thể phòng tránh được
New York, năm 1911
Vào ngày 25 tháng 3 năm 1911 lúc đám cháy xảy ra có khoảng 500 nữ lao động nhập cư đang làm việc tại nhà máy Triangle Shirtwaist factory ở thành phố New York, Mỹ. Họ tìm cách thoát ra ngoài nhưng mọi cửa đều bị khóa. Mọi cố gắng gần như sụp đổ. Một số lao động tìm cách nhảy ra khỏi cửa sổ từ tầng thứ 9. Chỉ trong vòng 25 phút đã có 146 người chết.
Vụ hỏa hoạn ở nhà máy Triangle đã cho thấy mức độ nguy hiểm tại các nhà máy. Các cơ quan lao động tại Mỹ đã vào cuộc yêu cầu chính phủ thông qua và thực thi Luật an toàn phòng cháy chữa cháy.
Băng-cốc, năm 1993
Vào ngày 10 tháng 5 năm 1993, một đám cháy bốc ra từ khu nhà kho của nhà máy sản xuất đồ chơi Kader ở Băng-cốc, Thái Lan. Hệ thống báo cháy không kêu còn người lao động thì được chỉ thị tiếp tục làm việc để hoàn thành công việc. Đám cháy lan ra nhanh chóng. Người lao động bị khóa trái cửa để phải làm việc thêm giờ. Lối thoát hiểm, bình chữa cháy cũng không hề được trang bị.
188 người lao động thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Những nạn nhân sống sót sau vụ hỏa hoạn và gia đình của họ đều rất phẫn nộ, đau buồn và quyết tâm đấu tranh vì sự an toàn của người lao động. Họ đã thành lập ANROEV, một mạng lưới Quyền của những nạn nhân do tai nạn lao động và môi trường tại châu Á.
Đắc-ka, năm 2012
Có hơn 100 người đã thiệt mạng trong một trận hỏa hoạn ở nhà máy Tazreen, Đắc-ka, Băng-la-đét vào ngày 24 tháng 11 năm 2012. Nhà máy này chuyên gia công quần áo cho nhãn hàng Walmart và một số nhãn hàng khác. Chỉ vài tháng trước khi trận hỏa hoạn xảy ra, đại diện của Walmart đã có ý kiến đến Hiệp hội sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Băng-la-đét rằng việc lắp đặt hệ thống an toàn phòng cháy chữa cháy tại các nhà máy may mặc là rất tốn kém.