Hesperian Health Guides

Những mối nguy hiểm do nhiễm lạnh

Trong chương này:

Khi bạn bị nhiễm lạnh, các cơ trở lên căng và kém dẻo dai có thể gây căng cơ và chấn thương cơ. Khi cơ thể bị nhiễm lạnh, bạn cũng có thể dễ nhiễm các bệnh khác hơn.

Tiếp tục làm việc khi bị nhiễm lạnh có thể nguy hiểm bởi vì bạn sẽ suy nghĩ và di chuyển chậm hơn. Tay và chân của bạn không thể nắm và cảm nhận như bình thường, vì vậy bạn không nhận biết được khi bạn bị chấn thương. Sử dụng các công cụ rung có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.

Làm ấm nơi làm việc

một người lao động đứng tại bàn dán giày.
Mũ, áo khoác và lót sàn có thể giúp giữ ấm cơ thể.

Cách tốt nhất để bảo vệ người lao động khỏi bị ốm hoặc bị chấn thương do nhiễm lạnh là giữ nhiệt độ phù hợp tại chỗ làm việc.

  • Cách nhiệt mái và tường để giữ không khí ấm trong nhà và ngăn không khí lạnh bên ngoài.
  • Sưởi ấm chỗ làm việc bằng hệ thống điều hòa ấm hoặc lò sưởi hơi giúp phân bố nhiệt đều.
  • Cách nhiệt cho sàn – đặc biệt đối với sàn được lát bằng bê tông, đá hay kim loại bằng cách trải các tấm cao su, gỗ hoặc thảm. Thảm chống mỏi chống tĩnh điện cũng có tác dụng cách nhiệt rất tốt cho sàn lạnh.
  • Cách nhiệt ghế bằng đệm, vải, cao su xốp, đặc biệt đối với ghế làm bằng kim loại. Ngồi trên ghế đệm vải, nhựa và gỗ ấm hơn ngồi trên ghế kim loại.
  • Sưởi ấm cho các phương tiện cơ giới bằng ghế sưởi điện hoặc thổi khí nóng vào chân.
  • Đóng cửa ra vào và cửa sổ để tránh không khí lạnh vào nhà khi nhiệt độ bên ngoài thấp. Nếu mở cửa sổ và cửa ra vào để thông gió nhà máy, tham khảo Chương 17: Thông gió để biết thêm thông tin về cách thức hút bớt hơi hóa chất và bụi ra ngoài.
  • Mở cửa ra vào, cửa sổ, rèm cửa để đón ánh sáng mặt trời và không khí ấm vào nhà khi thời tiết bên ngoài ấm áp.

Giữ ấm cơ thể ở chỗ lạnh

  • Mặc quần áo ấm, đi tất, đi giày kín cổ và ủng đế dày. Mặc nhiều lớp quần áo mỏng sẽ ấm hơn mặc 1 lớp quần áo dày.
  • Trùm kín đầu và tai bằng mũ và khăn. Chỉ cần che kín đầu cũng có thể giúp ấm toàn thân.
  • Đeo găng tay, đặc biệt là khi phải chạm vào đồ vật lạnh lúc làm việc.
  • Tránh mặc đồ ẩm, điều này có thể khiến cơ thể mất nhiệt nhiều hơn. Nếu bạn bị ướt, hãy thay ngay một bộ quần áo khô và sấy bộ quần áo ẩm.
  • Vận động để máu lưu thông khắp cơ thể.
  • Nghỉ giải lao thường xuyên ra khỏi chỗ lạnh để làm ấm cơ thể.
  • Uống nước ấm và ăn thường xuyên để làm ấm cơ thể từ bên trong.


Sơ cấp cứu người bị nhiễm lạnh

Người lao động bị nhiễm lạnh sẽ run rẩy không kiểm soát được, không thể suy nghĩ rõ ràng, cảm thấy mệt mỏi và buồn ngủ, nói chậm và khó khăn, vấp ngã khi đi bộ. Đây là tình trạng nguy hiểm. Thường thì mọi người sẽ không nhận thấy khi điều này xảy ra.

Wgthas Ch15 Page 237-1.png
  1. Đưa người đó đến một nơi ấm áp và khô ráo.
  2. Đắp chăn hoặc một tấm vải hay bất kỳ thứ gì mà bạn tìm thấy cho người bệnh. Nếu có thể, hãy trùm cả phần đầu họ.
  3. Cho họ uống nước ấm và ngọt, ăn đồ ngọt, hoa quả hoặc kẹo. Nếu không có đồ ngọt, có thể cho họ ăn chút gì đó giàu tinh bột như là cơm, bánh mỳ, chuối hay khoai tây.
  4. Nếu họ ngừng run nhưng vẫn có dấu hiệu quá lạnh, hoặc nếu bất tỉnh, phải cần sự can thiệp của nhân viên y tế.

Tê cóng

Khi một phần cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ rất thấp, nó có thể bị tê cóng, thay đổi màu sắc da vì bị mất cảm giác. Triệu chứng này được gọi là sự tê cóng. Tê cóng xảy ra chủ yếu trên các ngón tay, ngón chân và mũi.

  1. Quấn phần tê cóng bằng một miếng vải khô và làm ấm nó bằng cách áp nó vào cơ thể mình hoặc của người khác.
  2. Trùm kín cơ thể để làm ấm.
  3. Yêu cầu sự can thiệp của y tế ngay lập tức khi bộ phận nhiễm lạnh bị tê cứng.
Wgthas Ch8 Page 175-1.png
Sơ cứu



Trang này đã được cập nhật: 05 tháng 1 2024