Hesperian Health Guides
Các nhóm cha mẹ
HealthWiki > Giúp đỡ trẻ điếc > Chương 14: Hỗ trợ cho cha mẹ và những người chăm sóc > Các nhóm cha mẹ
Một nhóm cha mẹ làm thay đổi cuộc sống của Ê-len
Một ngườí mẹ ở Ni-ca-ra-goa, tên là Rô-sa, bắt đầu nghi ngờ là có một điều gì đó bất thường với con gái Ê-len của bà. Ê-len không phản ứng gì khi người ta gọi tên bé, và chỉ phản ứng với những tiếng ồn rất lớn.
Lo lắng cho con gái, Rô-sa đưa Ê-len tới bác sĩ khi cô bé 16 tháng tuổi. Bác sĩ đã rất dửng dưng với bé và chỉ nói "Con bà không thể nghe thấy gì. Hãy đưa cháu trở lại đây khi cháu 5 tuổi và chúng tôi sẽ xem là có thể làm được gì cho cháu không." Rô-sa ra về trong lòng còn cảm thấy sợ hãi và thất vọng hơn trước khi bà đưa con đến bác sĩ.
Trên đường về nhà bà gặp một người bạn, bà ta đã gợi ý là bà nên hẹn gặp Lốt Pi-pi-tốt, một tổ chức cộng đồng. Lốt Pi-pi-tốt đã được lập nên bởi một nhóm cha mẹ, những người mong muốn những đứa trẻ khuyết tật của họ có cơ hội phát triển đầy đủ.
Mặc dù bác sĩ và nhân viên tại Lốt Pi-pí-tốt cũng có những chẩn đoán tương tự là con bà bị điếc nhưng họ đã đem đến cho bà niềm hy vọng về tương lai. Họ đã giải thích với sự giúp đỡ đặc biệt và những hỗ trợ thêm từ gia đình, Ê-len có thể phát triển giống như một đứa trẻ nghe được bình thường. Với sự giúp đỡ của những cha mẹ khác của Lốt Pi-pi-tốt, Rô-sa bắt đầu cảm thấy tự tin là bà có thể tạo nên một bước đột phá trong cuộc đời của Ê-len.
Hiện tại Rô-sa là một thành viên tích cực của Lốt Pi-pi-tốt và bà làm việc để đem lại sự giúp đỡ và tình bạn cho những bậc cha mẹ khác giống như bà đã từng được nhận khi bà cần điều đó.
Nhờ có sự hỗ trợ của gia đình, sự chăm sóc tại Lốt Pi-pi-tốt, Ê-len trở thành một cô bé có tình cảm, chu đáo, hạnh phúc, thông minh và tự tin. Cô bé có thể giao tiếp và có thể đi học ở trường bình thường.
Hãy thử xem!
THÀNH LẬP NHÓM CHA MẸ
Nếu bạn biết có những cha mẹ khác có con bị điếc trong cộng đồng của bạn nhưng không có nhóm cha mẹ nào trong khu vực nhà bạn, có thể việc bắt đầu một nhóm như thế sẽ phụ thuộc vào bạn. Một số nhóm cha mẹ tích cực nhất và mạnh nhất được thành lập từ một ý tưởng của một người. Là một nhóm, các cha mẹ có thể cũng sát cánh bên nhau giải quyết các vấn đề. Các bậc cha mẹ cùng làm việc với nhau có thể làm được nhiều hơn là khi họ làm việc một mình.
- Hãy tìm 2 hoặc nhiều hơn các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc muốn thành lập một nhóm. Nếu bạn không biết những gia đình khác có con bị điếc, bạn có thể tìm các cha mẹ của những trẻ bị tật khác. Hoặc một nhân viên y tế có thể biết các cha mẹ trong các cộng đồng lân cận.
- Hãy lập kế hoạch gặp khi nào và ở đâu. Điều đó giúp chọn một địa điểm mà mọi người có thế nói chuyện thoải mái, có thể là một phòng trong một trường học, một trung tâm y tế, hợp tác xã hoặc một nhà nguyện. Trong buổi gặp gỡ đầu tiên, hãy thảo luận về lý do tại sao có cuộc gặp gỡ này và bạn hy vọng làm gì.
- Có thể một người sẽ là người chủ trì trong một vài cuộc gặp mặt đầu tiên. Nhưng điều quan trọng là không ai ra quyết định thay cho cả nhóm. Tất cả mọi người nên có cơ hội nói. Hãy tiếp tục thảo luận tập trung vào lý do chính về buổi gặp gỡ. Sau một vài cuộc gặp gỡ đầu tiên, hãy luân phiên nhau làm trưởng nhóm. Có nhũng người khác nhau chủ trì các cuộc gặp gỡ sẽ giúp các thành viên nhút nhát tham gia.
HỌC CÁCH HỖ TRỢ NHAU
Để cảm thấy thoải mái khi nói chuyện về cảm xúc, những kinh nghiệm và những khó khăn khi nuôi một đứa trẻ bị điếc hoặc nghe kém, ngay cả khi ngườí ta biết nhau rất rõ, cũng cần một khoảng thời gian. Những điều này cần được thực hành.
Sau đây là một vài gợi ý giúp các thành viên trong nhóm cảm thấy thoải mái và tin tưởng nhau:
Hãy lắng nghe những gì người khác nói mà không phán xét. Hãy nghĩ về việc bạn muốn người ta lắng nghe bạn như thế nào, và sau đó hãy cố gắng lắng nghe họ theo cách giống như vậy.
Hãy tạo cơ hội cho người ta quyết định. Bạn có thể giúp người khác hiểu được họ đang cảm thấy như thế nào, và chia sẻ những trải nghiệm của chính bạn. Nhưng mỗi người phải tự quyết định phương cách tốt nhất trong việc chăm sóc con của mình.
Hãy tôn trọng sự riêng tư của mỗi người. Không bao giờ được kể với người khác về những gì nhóm đã thảo luận trừ phi tất cả mọi người đều cho rằng việc đó không có vấn đề gì.