Hesperian Health Guides
Một số gợi ý giúp đỡ trẻ học
HealthWiki > Giúp đỡ trẻ điếc > Chương 3: Một số hướng dẫn dạy ngôn ngữ cho trẻ > Một số gợi ý giúp đỡ trẻ học
Mục lục
- 1 ĐỂ CHO TRẺ LÀM NGƯỜI CHỈ HUY
- 2 LÀM CHO VIỆC GIAO TIẾP TRỞ NÊN VUI VẺ VÀ HỮU ÍCH
- 3 HÃY ĐỂ TRẺ GIÚP BẠN LÀM VIỆC
- 4 THU HÚT SỰ CHÚ Ý CỦA TRẺ TRƯỚC KHI BẠN GIAO TIẾP
- 5 RA KÍ HIỆU HAY NÓI CHUYỆN MẶT ĐỐI MẶT, MẮT NHÌN MẮT
- 6 DÙNG CỬ CHỈ, ĐIỆU BỘ, CHẠM VÀO NGƯÒI VÀ BIỂU HIỆN NÉT MẶT
- 7 GIẢM THIỂU NHỮNG YẾU TỐ GÂY MẤT TẬP TRUNG Ở XUNG QUANH
- 8 THAY ĐỔI HOẠT ĐỘNG CHO PHÙ HỢP VỚI TRẺ
ĐỂ CHO TRẺ LÀM NGƯỜI CHỈ HUY
Trẻ phấn khởi, hồ hỡi nhất là khi đang làm việc gì mà chúng thích. Nếu trẻ tỏ ra quan tâm đến một cái gì đó, hay thích chơi với một đồ chơi nào đặc biệt, hãy tận dụng nó làm cơ hội để giúp trẻ học hay giao tíếp.
Hãy để cho trẻ làm người chỉ huy. Khi đó, sự quan tâm của trẻ được duy trì và sẽ giúp trẻ dần nhận biết được những quyết định của mình là rất quan trọng. Nhờ vậy, trẻ sẽ biết mình có thể kiểm soát sự xuất hiện của một cái gì đó. Điều này là rất quan trọng đối với các bé gái. Nhiều nơi, người ta muốn trẻ em gái phải giữ im lặng và làm theo hướng dẫn. Giúp một bé gái đưa ra quyết định và thực hiện theo những ý kiến của riêng mình có thể giúp trẻ tự tin và phát huy tối đa khả năng của trẻ.
Nhưng để trẻ làm người chỉ huy không có nghĩa là bạn cho phép trẻ có những hành động xấu hay rơi vào tình trạng nguy hiểm. Sự hướng dẫn của bạn có ý nghĩa rất quan trọng. Những hiểu biết của bạn về nhu cầu ngôn ngữ cũng như khả năng của trẻ sẽ giúp bạn hướng dẫn trò chơi sao cho trẻ có thể vừa chơi mà lại vừa học.
LÀM CHO VIỆC GIAO TIẾP TRỞ NÊN VUI VẺ VÀ HỮU ÍCH
Trẻ thực sự thích giao tiếp khi có những vật thật làm chủ đề để ra dấu hay nói về chúng, và mọi người cũng ra dấu hay nói với trẻ. Cố gắng giúp trẻ có nhiều cơ hội để học hỏi về thế giới xung quanh và khuyến khích trẻ dùng kí hiệu và nói về điều mình đang học. Trò chuyện sẽ giúp trẻ tiếp thu nhanh hơn nhiều so với việc bạn chỉ đơn thuần yêu cầu trẻ ghi nhớ và lặp lại kí hiệu hay từ ngữ.
HÃY ĐỂ TRẺ GIÚP BẠN LÀM VIỆC
Khi trẻ giúp bạn làm việc, hãy nói chuyện với trẻ về việc mà bạn đang làm. Nói hoặc ra kí hiệu đề nghị trẻ giúp bạn làm một việc gì đó, hay lấy một dụng cụ nào đó hoặc thậm chí giúp bạn dưới những cách thức khác. Trẻ chắc chắn sẽ tỏ ra quan tâm hơn và giao tiếp nhiều hơn khi đang được giúp bạn làm một việc gì đó có ích.
THU HÚT SỰ CHÚ Ý CỦA TRẺ TRƯỚC KHI BẠN GIAO TIẾP
Trẻ nghe kém cần nhìn hình miệng và cử chỉ, điệu bộ hoặc dùng kí hiệu để hiểu bạn. Trẻ cũng biết được nhiều thông tin qua việc quan sát khuôn mặt bạn. Do vậy, điều quan trọng là bạn phải đợi cho đến khi trẻ nhìn vào bạn rồi mới bắt đầu nói hay làm kí hiệu.
Thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách cử động hay vẫy tay để trẻ nhìn thấy, gọi tên trẻ, chạm vào trẻ hay đập vào một đồ vật nhằm tạo ra tiếng động lớn để trẻ cảm nhận thấy sự rung động.
Một số cách thức thu hút sự chú ý của trẻ
Nếu trẻ quan tâm đến một đồ vật nào đó hơn là đến những gì bạn đang nói, hãy thu hút sự chú ý của trẻ bằng cách dừng tất cả các hoạt động lại, đưa đồ vật đến gần mặt của bạn hơn hay dùng cử chỉ điệu bộ hoặc kí hiệu gần với đồ vật.
- Dừng tất cả các hoạt động lại. Nếu bạn bỗng nhiên dừng cử động, đặc biệt là với một đồ vật ở trên tay thì trẻ sẽ có thể nhìn bạn để xem tại sao bạn dừng lại.
- Đưa đồ vật lại gần mặt, như vậy trẻ có thể nhìn thấy mặt bạn và đồ vật vào cùng thời điểm (nếu bạn muốn trẻ nhìn vào miệng).
- Chỉ hay ra kí hiệu gần với đồ vật (nếu bạn muốn trẻ học một kí hiệu về đồ vật đó).
Bạn đầu, bạn có thể khó nhớ việc phải thu hút hoàn toàn sự chú ý của trẻ trước khi bắt đầu gíao tiếp nhưng điều này sẽ dễ dàng hơn khi bạn luyện tập.
RA KÍ HIỆU HAY NÓI CHUYỆN MẶT ĐỐI MẶT, MẮT NHÌN MẮT
Trẻ có thể hiểu nhiều hơn những điều bạn nói hay ra kí hiệu nếu bạn ngồi gần trẻ (trong khoảng cách 1 mét), và nhìn vào mắt trẻ khi đang nói hay ra kí hiệu. Nếu có thể, hãy để ánh sáng mặt trời hay ánh sáng đèn chiếu vào mặt bạn, chứ không phải từ phía sau. Nếu ánh sáng từ phía sau, khuôn mặt và bàn tay của bạn sẽ bị khuất bóng làm cho trẻ khó nhìn.
Trẻ sẽ hiểu lời nói dễ hơn nếu bạn nói tự nhiên và giọng nói rõ ràng. Đừng hét. Hét sẽ làm cho từ khó hiểu hơn. Việc dùng câu ngắn, đơn giản sẽ làm cho trẻ hiểu đúng. Trong lúc bạn đang nói, trẻ sẽ dễ nhìn thấy môi cử động nếu không có gì che trước mặt bạn..
Nếu trẻ còn nghe được đôi chút
Những gợi ý dưới đây có thể giúp trẻ nghe thấy tiếng động rõ hơn một chút.
- Khum tay ra sau tai có thể thu hút âm thanh vào tai tốt hơn.
- Ghé sát vào tai trẻ để nói sẽ giúp trẻ nghe rõ hơn, bởi vì các âm thanh sẽ lớn hơn và giảm lượng tiếng ồn từ môi trường xung quanh. Nhớ là trẻ cũng cần nhìn thấy mặt bạn trong khi bạn đang nói với trẻ.
DÙNG CỬ CHỈ, ĐIỆU BỘ, CHẠM VÀO NGƯÒI VÀ BIỂU HIỆN NÉT MẶT
Tất cả mọi người đều sử dụng chuyển động của cơ thể, hay chạm vào người cũng như biểu hiện nét mặt để giúp người khác hiểu rõ điều mình muốn nói. Trẻ thường dùng xúc giác để giao tiếp với người khác. Xúc giác có tác dụng to lớn đối với trẻ nghe kém. Chạm tay vào trẻ là cách thể hiện sự chăm sóc và quan tâm của bạn tốt hơn bất kỳ hình thức nào khác. Đôi khi, cử động và ánh mắt có thể thay thế từ hay kí hiệu. Và có những lúc chúng bổ sung thông tin cho từ và kí hiệu.
Hãy giúp trẻ bằng cách sử dụng cơ thể và khuôn mặt của bạn để giao tiếp càng nhiều càng tốt. Lúc đầu, cố gắng xem lại mình đã dùng cách thức này như thế nào. Sau đó, tìm cách bổ sung cho điều bạn đang nói.
GIẢM THIỂU NHỮNG YẾU TỐ GÂY MẤT TẬP TRUNG Ở XUNG QUANH
Yếu tố gây phân tán ở xung quanh, chẳng hạn như việc có những trẻ khác đang chơi ở gần có thể làm cho các hoạt động trở nên khó khăn hơn, thậm chí còn không thể tiến hành được. Bạn có thể giải quyết vấn đề này bằng cách tìm ra một nơi có ít yếu tố gây mất tập trung hơn. Cố gắng tránh những tiếng ồn không cần thiết. Khi trong phòng nhiều tiếng ồn, trẻ nghe kém sẽ khó hiểu lời nói hơn.
THAY ĐỔI HOẠT ĐỘNG CHO PHÙ HỢP VỚI TRẺ
Những hoạt động trong cuốn sách này có thể giúp trẻ học giao tiếp, nhưng đó chỉ là những ví dụ về một số hoạt động mà bạn có thể tham khảo để giúp trẻ học. Trước hết, hãy quan sát kỹ càng để phát hiện những gì làm cho trẻ thích thú và làm cho trẻ muốn giao tiếp, những gì làm cho trẻ không thích hay không muốn nói đến. Sau đó, bạn có thể nghĩ đến cách điều chỉnh hoạt động mà chúng tôi giới thiệu trong cuốn sách này. Có vậy, các hoạt động mới trở nên có tác dụng với trẻ và phù hợp với mọi sinh hoạt trong gia đình bạn.
Bạn có thể điều chỉnh các hoạt động này cho phù hợp với khả năng của trẻ. Ví dụ:
|
Trời nóng quá. Con có muốn uống nước không? Bố cũng muốn uống nước. |
|
Nếu con dùng kí hiệu này để chỉ "quả bóng", Pao-lô có thể hiểu được các con đấy. |
|
Con có nghe thấy gì không? Hình như có ai đó đang đứng sau cửa đấy? |
Giúp trẻ lớn lên | |
Nếu bạn làm cho những hoạt động này trở thành một phần trong cuộc sống thường ngày của gia đình, trẻ sẽ có một tuổi thơ đầy ắp niềm vui và cơ hội học tập. Khi lớn lên, trẻ có thể: | |
tham gia trò chuyện cùng với gia đình | kết bạn với những trẻ khác |
đến trường và học tập | |
gặp gỡ những trẻ em và người lớn khác cũng bị điếc hay nghe kém | |
Và nhiều năm sau, khi trưởng thành, đứa trẻ có thể kết hôn và có gia đình riêng của mình.
Trẻ sẽ còn có thể giúp đỡ gia đình và tham gia vào cộng đồng. |
Khi thực hiện những hoạt động trong cuốn sách này hãy cố gắng:
- Tỏ ra kiên trì. Trẻ nhỏ chỉ có thể chú ý trong một vài phút mỗi lần.
- Tạo sự hứng thú. Việc học sẽ chỉ thực hiện được nếu nó hứng thú với cả bạn và trẻ.
Đừng nản chí. Đừng kỳ vọng sự thay đổi về hành vi của trẻ có thể diễn ra nhanh chóng. Trẻ sẽ đạt được một cái gì đó từ những sinh hoạt thường ngày, mà đôi khi bạn không nhận thấy ngay.