Hesperian Health Guides
Luật lao động quốc gia
Mỗi quốc gia đều có bộ luật lao động riêng với các quy định về mối quan hệ giữa người lao động, công đoàn, doanh nghiệp, chính phủ và các doanh nghiệp quốc tế hay các thương hiệu kinh tế. An toàn, vệ sinh lao động có thể nằm trong luật lao động hoặc trong các điều luật quy định về sức khỏe.
Để nghiên cứu và áp dụng luật lao động nhằm có được điều kiện làm việc tốt hơn hãy tham vấn, lấy ý kiến từ: cán bộ công đoàn, giáo sư về luật tại trường đại học, chuyên viên của Bộ Lao động, luật sư cố vấn các vấn đề về sức khỏe hay cán bộ của trung tâm người lao động. Bên cạnh đó, có thể tìm các thông tin trên mạng Internet. Các tài liệu luật thường khá khó đọc nhưng bạn có thể tìm đọc các thông tin đã được đơn giản hóa từ nhiều nguồn để tham khảo.
Luật lao động đôi khi bảo vệ người lao động nhưng cũng có lúc lại bảo vệ doanh nghiệp. Các nhóm người lao động được tổ chức tốt sẽ tạo được ảnh hưởng nhất định đến chính phủ để tạo nên chính sách mới hoặc thay đổi chính sách nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động với mức lương hợp lý. Tuy nhiên, luật luôn bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi lợi ích của doanh nghiệp. Một bộ luật tốt trên giấy tờ không có nghĩa được áp dụng hiệu quả trong thực tế. Nó còn phụ thuộc vào cách bạn tổ chức đấu tranh để thực thi các quy định của pháp luật.
Đạo luật lao động của Bangladesh
Ở nhiều quốc gia, người lao động phải chờ đợi một thời gian dài để chính phủ xác định một cách hợp pháp các quyền của họ. Tại Bangladesh, đạo luật lao động hợp nhất đầu tiên đã được thông qua vào năm 2006. Tuy nhiên, nó không giải quyết được đầy đủ các vấn đề quan trọng như bảo hiểm và bồi thường khi bị thương hoặc tử vong, lao động trẻ em, lối thoát hiểm trong các nhà máy và nhiều vấn đề khác. Các công đoàn, tổ chức NLĐ, người sử dụng lao động và các nhà lập pháp bắt đầu họp để mở rộng và cải thiện Luật này.
Quỹ An toàn, Sức khỏe và Môi trường Lao động Bangladesh (Bangladesh Occupational Safety, Health, and Environment Foundation - OSHE) là một trong những nhóm vận động chính phủ và soạn thảo các đề xuất cải thiện luật lao động. Vào tháng 7 năm 2013, một vài tháng sau khi nhà máy Rana Plaza sụp đổ, chính phủ đã chịu đủ áp lực quốc tế để cuối cùng sửa đổi luật lao động hiện hành. OSHE đã in các bản luật để giúp phân phát cho NLĐ và sinh viên. OSHE cũng làm một áp phích về các ủy ban sức khỏe và an toàn theo yêu cầu của luật mới, và bắt đầu một chương trình đào tạo gồm 10 phần cho người lao động. Cũng như các quốc gia khác, luật lao động Bangladesh vẫn cần được cải thiện. Nó cũng cần được các chủ nhà máy tôn trọng hơn và cần được thực thi bởi Bộ Lao động và Việc làm. Mặc dù vậy thì nó vẫn là cơ sở pháp lý để NLĐ đấu tranh cho quyền của họ.