Hesperian Health Guides

Vấn đề sức khỏe do ô nhiễm

Trong chương này:

Mỗi người hoặc mỗi cộng đồng thường mắc phải các bệnh khác nhau do ô nhiễm. Trẻ em thường có nhiều vấn đề về sức khỏe hơn người lớn vì chúng vẫn còn nhỏ và đang phát triển. Có một số vấn đề ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Trong hay ngoài nhà máy, tại nơi làm việc hoặc ở nhà, các vấn đề sức khỏe do hóa chất phụ thuộc vào loại hóa chất, cách mọi người tiếp xúc với nó và tần suất tiếp xúc hoặc thời gian tiếp xúc. Để tìm hiểu thêm, xem Chương 8: Nguy hiểm của hóa chất Phụ lục B: Hóa chất và nguyên vật liệu phổ biến.

Mức độ gây hại do ô nhiễm cũng có thể phụ thuộc vào môi trường xung quanh nhà máy, chẳng hạn như hướng gió, loại đất, số lượng cây, vị trí của nguồn nước hoặc độ sâu của nước ngầm. Một số ô nhiễm có thể đi qua đường nước và không khí và cũng có thể gây hại cho cá, chim, động vật, thực vật và người dân ở các cộng đồng xa nhà máy.

Ô nhiễm không khí

Các nhà máy gây ô nhiễm không khí do xả khí hóa chất và khói ra môi trường qua các lỗ thông hơi và ống khói cũng như đốt chất thải trong các bãi rác hoặc lò đốt. Khí thải từ máy phát điện, xe tải chạy dầu diesel và xe buýt cũng khiến không khí bị ô nhiễm các loại khí nguy hiểm.

trẻ em đang chơi gần một nhà máy có nhiều khói.

Ô nhiễm không khí có thể gây ra các vấn đề về da, tim và hô hấp và kích ứng mắt và nhiễm trùng. Các hơi khí hóa chất nguy hiểm trong không khí cũng có thể gây ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác như vấn đề về khả năng sinh sản và mang thai, sảy thai và gây hại cho em bé trước khi chúng được sinh ra. Một số hóa chất gây hại cho khả năng tư duy và học tập của trẻ.

Ô nhiễm không khí gây hại cho con người cũng có thể gây hại cho các sinh vật sống khác. Như bồ hóng từ khói của khí thải động cơ có thể phủ lên lá cây và làm thay đổi cách cây phát triển hoặc khiến cây ít trái hoặc thậm chí bị chết.

Đóng cửa bãi rác!

Khi các nhà máy mới được xây dựng gần Nogales, Mê-hi-cô (Mexico) khu vực biên giới với Hoa Kỳ, người dân ở cả hai bên biên giới đã vui vẻ vì họ có cơ hội làm việc cho các nhà máy. Các nhà máy này không xả khói nên không ai lo lắng về vấn đề ô nhiễm. Nhưng sau một thời gian, nhiều người bắt đầu mắc bệnh ung thư và một số bệnh nghiêm trọng khác. Một nhóm những người mắc bệnh đã cùng nhau hỗ trợ lẫn nhau và đặt tên cho nhóm của họ là nhóm LIFE - Sống là vì mọi người. Nhóm đã quyết định tìm hiểu tại sao rất nhiều người bị bệnh.


 một số người đang đứng bên ngoài hàng rào nơi có tấm biển ghi "Nguy hiểm".

Các thành viên của LIFE đã khảo sát các khu phố và lập một bản đồ về nơi những người mắc bệnh sinh sống. Họ phát hiện ra rằng những người sống gần một số giếng thường mắc bệnh nhiều hơn những người ở các khu vực khác trong cộng đồng. Họ cũng lo ngại về một bãi rác nơi các nhà máy đốt chất thải.

LIFE đã chụp ảnh bãi rác và liên lạc với giới truyền thông.

 một đám đông đang đứng bên ngoài nhà máy Nogales cầm những tấm biển có nội dung: "Đóng cửa nhà máy", "CUỘC SỐNG tốt đẹp cho tất cả" và "Vấn đề sức khỏe của chúng tôi".

LIFE muốn đóng cửa bãi rác và cố gắng chứng minh rằng ô nhiễm từ nhà máy đang khiến người dân quanh vùng bị bệnh. Tuy nhiên, một số dân cư trong khu vực lại lo rằng điều này sẽ khiến các chủ nhà máy sợ hãi rời khỏi Nogales. Họ đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận về nỗi sợ hãi và thất vọng của họ. Sau nhiều tuần, người dân trong khu vực đã quyết định ủng hộ LIFE. Chiến dịch của LIFE đã thuyết phục được chính quyền điạ phương có các nghiên cứu về nguồn nước, đất và không khí ở khu vực Nogales. Các nghiên cứu đã tìm thấy nồng độ cao các hóa chất gây ung thư. 

Sau một chiến dịch giáo dục ở cả hai bên biên giới về ô nhiễm và sức khỏe, các quan chức Mê-hi-cô (Mexico) cuối cùng đã đóng cửa bãi rác đốt chất thải nhà máy. Mặc dù ở Nogales vẫn có nhiều người mắc bệnh nhưng giờ đây mọi việc được tổ chức tốt hơn để ngăn chặn các nguồn ô nhiễm khác và người dân có nhận thức rõ hơn về mối liên hệ giữa sức khỏe và môi trường.

Ô nhiễm nguồn nước

Các nhà máy thường thải nước bẩn, hóa chất, dầu đã qua sử dụng, nước thải và chất thải của nhà ăn trực tiếp vào đất hoặc vào nguồn nước của khu vực xung quanh nhà máy như sông, hồ hoặc suối. Chất thải đổ xuống đất có thể gây độc cho nước ngầm, là nguồn nước của giếng và ao. Các công ty điện tử đôi khi lưu trữ các hóa chất rất nguy hiểm trong bể ngầm. Ở nhiều quốc gia trong đó có Hoa Kỳ, những bể chứa này bị rò rỉ hóa chất độc hại gây ô nhiễm đất và nước ngầm.

Wgthas Ch33 Page 440-1.png

Sử dụng nước ô nhiễm để ăn uống, nấu ăn, rửa và tắm có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như nhiễm trùng dạ dày và tiêu chảy, nhiễm trùng da và phát ban, nhiễm trùng mắt, các vấn đề sinh sản, ung thư và các bệnh nghiêm trọng khác.

Ô nhiễm nước có thể gây hại cho cá và các động thực vật sống trong hoặc gần nguồn nước. Ăn cá và thực vật từ nước bị ô nhiễm cũng có thể gây ra vấn đề sức khỏe. Nước ngầm hoặc nước tưới tiêu bị ô nhiễm có thể hủy hoại đất để trồng trọt và nó có thể gây độc cho thực phẩm được trồng trong đất.

Ô nhiễm từ chất thải rắn

Các nhà máy cũng thải ra các chất thải rắn như các bộ phận hư hỏng, kim loại, phế liệu, thùng chứa hóa chất, hộp các tôn, pallet gỗ, nhựa, dây điện, giấy và rác. Một số công ty vận chuyển chất thải đến bãi rác địa phương hoặc bãi rác nơi có thể chôn lấp hoặc đốt. Các nhà máy có thể tái chế một số loại chất thải như giấy và bìa cứng nhưng thường thì chất thải chỉ được đổ thành đống bên ngoài nhà máy và trong cộng đồng.

  • Chuột, ruồi, muỗi và các côn trùng khác truyền bệnh tập trung và sinh sản trong đống chất thải, bãi thải và ao.
  • Trẻ em chơi gần đống chất thải và mọi người thu gom chất thải để sử dụng hoặc bán có thể dễ dàng bị tiêu chảy, ghẻ, nhiễm trùng da, nhiễm trùng mắt, uốn ván và các vấn đề sức khỏe khác.
  • Đường dẫn nước và kênh thoát nước có thể bị tắc nghẽn do chất thải, gây ngập lụt hoặc tạo ra các vũng nước tù đọng, không an toàn.
  • Việc đốt chất thải tạo ra khói, hơi khí độc và các hóa chất nguy hiểm thải vào không khí. Tro độc rơi xuống cây, đất và nước. Ngoài ra, việc đốt nhựa và pin cũng đặc biệt có hại.
Bi kịch ở Bhopal

Hình minh họa ở trên: mọi người chạy trên đường khi khí độc lan ra khắp thành phố.

Vào đêm ngày 2 tháng 12 năm 1984, 40 tấn hơi hóa chất chết người đã phát tán ở Bhopal, Ấn Độ nơi có khoảng 1 triệu người sinh sống. Số hóa chất này rò rỉ từ một nhà máy thuốc sản xuất hoá chất trừ sâu của Union Carbide, một tập đoàn lớn từ Hoa Kỳ. Nhà máy có hệ thống báo động để cảnh báo nếu có rò rỉ nhưng chủ nhà máy đã ngắt kết nối. Trong vòng một giờ, khí độc chết người bao trùm toàn thành phố. Nhiều người đã chết khi đang ngủ trong đêm đó và hơn 8.000 người đã chết trong những ngày tiếp theo.

Di chứng của đêm từ 30 năm trước vẫn còn tiếp diễn, hơn 20.000 người đã chết và hơn 150.000 người sống nhưng gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng bao gồm tổn thương phổi, mất thị lực và ung thư. Vụ ngộ độc ảnh hưởng đến những đứa trẻ sinh ra sau thảm họa. Nhiều trẻ em ở Bhopal đã được sinh ra với cơ thể dị dạng và không thể phát triển, không có khả năng học và nói như những đứa trẻ khỏe mạnh. Ngay cả những người chuyển đến Bhopal sau đó cũng bị ảnh hưởng vì họ uống nước bị nhiễm độc và ăn thực phẩm được trồng trong khu vực.

Union Carbide và công ty hiện đang sở hữu nó là Dow Chemical đã từ chối chịu trách nhiệm về thảm họa. Nhưng người dân Bhopal đã tổ chức để đòi công lý và giành tiền bồi thường cho những người sống sót và gia đình họ. Họ đang đấu tranh để chính phủ Ấn Độ cung cấp cho cộng đồng của họ nước sạch và làm sạch cũng như loại bỏ các nguyên vật liệu độc hại và đất bị ô nhiễm khỏi khu vực nhà máy. 

Những gì xảy ra ở Bhopal cho thấy những gì có thể xảy ra khi chúng ta tin tưởng một công ty có thể giúp chúng ta an toàn từ các hóa chất cực kỳ nguy hiểm được sử dụng trong các nhà máy của họ như thế nào. Các công ty thường xuyên bỏ qua các biện pháp phòng ngừa an toàn cơ bản để tăng lợi nhuận, họ và các chuyên gia được thuê của họ không thể được phép tự đánh giá lợi ích và rủi ro. Thảm họa sẽ chỉ được ngăn chặn khi người lao động và người dân sống quanh nhà máy có thông tin cần thiết và có quyền tham gia vào các quyết định về sự an toàn của cộng đồng.

Rò rỉ, tràn hóa chất và cháy

Một rò rỉ hóa chất lớn hoặc sự cố tràn có thể bất ngờ gây hại cho cả cộng đồng, cũng như gây ra thảm họa như ở Bhopal. Rò rỉ hoặc tràn hóa chất có thể đến từ các máy móc bên trong nhà máy, do sự cố vỡ hoặc nổ các thùng chứa và đường ống chứa chất lỏng hoặc khí nguy hiểm hoặc từ xe tải hoặc xe lửa chở hóa chất hoặc chất thải.

Nổ hoặc cháy hóa chất có thể lan truyền khói độc vào trong không khí. Nước được sử dụng để chữa cháy có thể mang theo hóa chất vào hồ, suối hoặc vào lòng đất, nơi nó có thể làm ô nhiễm các giếng nước và các nguồn nước khác.

Tái chế điện tử

Wgthas Ch33 Page 442-1.png

Đồ điện tử chứa hàng trăm chất nguy hiểm có thể gây hại cho sức khỏe của người lao động khi chúng được sản xuất. Khi những sản phẩm này không còn hữu ích và bị loại bỏ hoặc tái chế, chúng thường gây nhiễm độc cho nhiều người.

Người lao động và đôi khi cả gia đình của họ tận dụng các thiết bị điện tử bỏ đi để lấy các linh kiện bằng cách đập vỡ, đốt và thường làm việc bằng tay không. Điều này sẽ gây phát thải các hóa chất nguy hiểm và độc hại vào không khí, đất và nước. Người lao động, gia đình và cộng đồng của họ tiếp xúc trực tiếp với cadmium/cadimi, chì và hàng trăm hóa chất khác có nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, ung thư và tử vong.


Trang này đã được cập nhật: 05 tháng 1 2024