Hesperian Health Guides
Quần áo và giày
HealthWiki > An toàn vệ sinh lao động: Tài liệu hướng dẫn dành cho người lao động > Chương 18: Thiết bị bảo vệ cá nhân > Quần áo và giày
Áo trùm hoặc áo bảo hộ bằng nhựa trùm bên ngoài quần áo có thể bảo vệ được da và quần áo khỏi bụi bẩn và hóa chất. Các trang phục chống hóa chất như tạp dề, áo khoác rất cần thiết khi bạn phải làm việc với các hóa chất độc hại và nguy hiểm, đặc biệt là axit. Những hóa chất này có thể làm bạn bị tổn thương nhanh chóng và để lại hậu quả mãi mãi.
Áo trùm, tạp dề và bộ quần áo bảo hộ lao động
Bộ áo liền quần sẽ giúp bảo vệ được da bạn khỏi chất lỏng văng bắn và bụi. Tuy nhiên một số đồ bảo hộ như tạp dề cao su, quần áo dài hoặc các loại PPE khác có thể làm bạn nóng, đặc biệt khi môi trường làm việc của bạn đã là nóng. Hãy uống nhiều nước, chủ động nghỉ ngơi và để ý đến các dấu hiệu khi bị căng thẳng do nhiệt. Hãy làm cho nhà máy của bạn được thoáng mát để giảm căng thẳng do nhiệt.
Áo khoác và tạp dề vải bông sẽ không có tác dụng đối với nhiều loại hóa chất nhưng có thể ngăn bớt bụi và hóa chất nhẹ văng bắn. Không chỉ vậy, chúng còn có thể bảo vệ bạn khỏi những đồ vật sắc nhọn hoặc nhám. Lưu ý: những bộ đồ này nên được giặt tại nhà máy hoặc nếu mang về nhà, bạn phải giặt riêng, không giặt chung với những quần áo khác.
Nhiều bộ đồ được làm từ chất liệu mỏng, nhìn như giấy. Loại này làm ra để sử dụng một lần. Các Bộ áo liền quần dùng trong các phòng sạch, còn gọi là “bộ quần áo làm dáng”, chỉ bảo vệ sản phẩm chứ không bảo vệ người lao động. Chúng thực sự không có tác dụng chống hóa chất.
Trang phục chống hóa chất được làm từ cao su, cao su tổng hợp hoặc nhựa. Chúng có thể giúp bạn được an toàn tránh khỏi nước hóa chất văng bắn lên người trong môi trường hóa chất mà bạn làm việc. Nếu bạn làm việc với các hóa chất ăn mòn thì bắt buộc phải mặc quần áo chống hóa chất.
Giày và ủng sẽ bảo vệ tốt bàn chân của bạn hơn là dép xăng đan. Nếu bạn đi dép xăng đan, phải cài quai hậu để dép không tụt ra. Tốt hơn hết là bạn nên sử dụng những đôi giày có đế chống trơn.
Giày bao thường được làm từ nilong hoặc chất liệu giống như giấy. Chúng sẽ ngăn cản việc mang bụi đất từ ngoài vào khu vực làm việc nhưng hiệu quả bảo vệ người không cao. Nếu sau giờ làm việc, bạn vứt bỏ giày bao, nó sẽ không mang bụi hay hóa chất độc hại về nhà.
Hầu hết các đôi giày bao dùng một lần khá trơn. Hãy yêu cầu người quản lí của bạn cung cấp những đôi giày bao có đế chống trơn trượt.
Những đôi giày đảm bảo an toàn được làm từ da hoặc chất liệu dày sẽ không bị chảy. Hãy đi giày an toàn nếu bạn phải làm việc trong khu vực nhiều đồ vật có khả năng rơi vào chân bạn. Ngoài ra, những đôi giày chống hóa chất cũng rất cần thiết và chúng cũng phải chống trơn và có miếng kim loại hoặc chất liệu cứng ở mũi giày để bảo vệ các ngón chân không bị thương bởi những đồ vật có thể rơi từ trên cao xuống. Nếu bạn làm việc trong khu vực có tĩnh điện, đi giày dẫn điện sẽ không gây ra tia lửa điện khi đi lại. Tuy nhiên, nếu bạn tiếp xúc với những nơi dẫn điện nguy hiểm (xem Chương 10), thì bạn không nên mang giày dẫn điện.
Nhìn chung, một đôi ủng nhựa là lựa chọn tốt nhất trong khu vực có hóa chất.
Nếu đi giày nhựa, hãy rửa chân và giặt tất hàng ngày để ngăn ngừa nhiễm trùng và nấm. Nếu chân bạn bị ngứa, hãy để chân tiếp xúc với không khí thường xuyên nhất có thể và sử dụng bột hút ẩm. |
Khi bạn mang giày và ủng an toàn, lưu ý:
- Hãy chắc chắn rằng đôi giày hoặc đôi ủng đó vừa với chân bạn. Các ngón chân của bạn nên được thoải mái. Nếu bạn bị kích chân thì nên đổi đôi giày vừa cỡ hơn.
- Hãy để ý đến vết xước, vết rách hoặc lỗ thủng trên giày.
- Kiểm tra đế giày hàng ngày để xem có mảnh kim loại hay bất kì vật gì mắc vào giày hay không.
- Mặc quần dài trùm ra ngoài ủng để không bị bám bụi và hóa chất vào trong giày.
- Để giày an toàn tại nơi làm việc hoặc đi giày bao để bụi và các hóa chất không bám vào và mang về nhà.