Cho dù chúng ta đã nỗ lực đưa ra các biện pháp phòng tránh, nhưng vẫn không ngăn được tai nạn xảy ra trong nhà máy. Khi tai nạn xảy ra, các chấn thương nghiêm trọng có thể ngăn ngừa được nếu người sử dụng lao động đảm bảo người lao động tham gia các khóa tập huấn thường xuyên về sơ cấp cứu ban đầu cũng như những vật dụng cần thiết. Nên cử ra một hay vài người lao động ở mỗi khu vực làm việc (và ở mỗi ca làm việc khác nhau) tham gia tập huấn có trách nhiệm xử lý tình huống, giúp mọi người thoát hiểm an toàn, biết cách sơ cấp cứu ban đầu và huy động sự hỗ trợ khi cần. Cần phải có người chịu trách nhiệm kiểm tra thường xuyên vật dụng sơ cấp cứu xem có còn mới và đầy đủ hay không; hay những thiết bị như vòi, bồn rửa mắt có sạch sẽ và sẵn sàng hoạt động không.
Sơ cứu ban đầu khi hít phải hóa chất
Nếu thấy có người bị khó thở, chóng mặt, buồn nôn hoặc nếu bạn nhìn thấy, ngửi thấy hoặc nhận thấy có hóa chất, thì ngay lập tức phải:
Di chuyển nạn nhân ra khỏi nơi làm việc hoặc nhà máy để họ có không gian thoáng để thở. Phải đảm bảo nơi làm việc của bạn có kế hoạch xử lý tình huống nếu như nạn nhân không thể di chuyển hoặc bị bất tỉnh.
Giúp người bị nạn lấy lại sự bình tĩnh và sự thoải mái.
Cho họ thở oxy nếu nạn nhân hít phải loại hóa chất:
gây bệnh hen suyễn như isocyanate và thuốc nhuộm.
khiến phổi bị ứ dịch (bệnh phù phổi) như khí amoniac và clo.
làm giảm lượng oxy trong không khí như metan, nitơ.
làm giảm oxy trong máu như khí carbon monoxide và methylene chloride.
khiến cơ thể khó lưu thông oxy như cyanide/xyannua và hydrogen sulfide/hyđrô sunfua.
Đưa nạn nhân đến phòng y tế, kể cả khi họ cảm thấy đỡ hơn.
Nếu nạn nhân ngừng thở thì cần phải hô hấp nhân tạo (hô hấp bằng miệng). Khi đó, bạn cần phải chắc rằng đã được tập huấn về cách hô hấp nhân tạo.
Sơ cứu
Sơ cấp cứu khi hóa chất dây vào da và mắt
Tất cả các nơi làm việc sử dụng hóa chất cần được trang bị vòi hoa sen giật toàn thân khẩn cấp và khu vực rửa mắt khẩn cấp với đủ lượng nước chảy liên tục tối thiểu trong 15 phút. Điều quan trọng nhất là người lao động cần được tập huấn về cách sơ cấp cứu ban đầu với loại hóa chất mà họ tiếp xúc trong công việc.
Khi hóa chất dây vào da:
Rửa trôi hóa chất ngay lập tức bằng nhiều nước, xả nước ít nhất trong 15 phút. Việc rửa hóa chất càng sớm và xả nước càng lâu thì càng hạn chế được tác hại của hóa chất.
Với hóa chất dễ bắt lửa hoặc dễ hấp thụ qua da thì phải rửa trong thời gian lâu hơn, từ 30 phút đến 1 tiếng.
Sau khi rửa hóa chất, hãy đưa nạn nhân đến bệnh viện hoặc phòng khám, kể cả khi không có dấu hiệu thương tổn. Bên cạnh đó, cần phải cung cấp thông tin về hóa chất cho bác sĩ.
Bị bỏng HF (hydrofluoric acid) cần phải được xử lý bằng
calcium gluconate.
Khi hóa chất dây vào mắt:
Bình tĩnh.
Rửa sạch mắt ngay lập tức.
Sử dụng thật nhiều nước để rửa ít nhất trong 15 phút.
Nếu bạn có vòi rửa mắt khẩn cấp, hãy mở vòi và dùng ngón tay giữ mi mắt mở khi bạn rửa mắt.
Nếu như phải dùng tay để lấy nước rửa mắt, hãy giữ cho mắt luôn mở khi hất nước vào mắt. Nhờ người giúp để giữ mắt luôn được mở khi rửa.
Nếu bạn không thể đứng được, hãy nhờ người đổ nước vào mắt bạn. Nếu chỉ có một mắt bị ảnh hưởng, hãy nghiêng đầu để nước chảy từ sống mũi, qua mắt và về phía tai. Đừng để nước chảy từ mắt này sang mắt kia. Nếu cả hai mắt bị dây hóa chất, nằm xuống và ngửa đầu về phái sau, trong khi nước được đổ và chảy từ sống mũi xuống hai mắt.
Đến gặp nhân viên y tế càng sớm càng tốt.
Sơ cứu
Sơ cấp cứu ban đầu khi hóa chất dây vào miệng
Giúp nạn nhân bình tĩnh.
Tìm kiếm nhãn mác hoặc bất cứ thông tin gì về loại hóa chất gây ra tai nạn. Thông thường nhãn mác đều có hướng dẫn sơ cấp cứu khi nuốt phải hóa chất. Do đó, bạn sẽ biết mình có cần làm cho nạn nhân nôn ra hay không. Thực hiện theo chỉ dẫn là điều rất quan trọng.
Trên nhãn dán có chứa thông tin về thuốc giải độc nếu nuốt phải hóa chất. Nếu bạn có sẵn loại thuốc này thì hãy cho nạn nhân uống.
Than hoạt tính là một phương pháp điều trị phổ biến và tốn ít chi phí để chữa trị cho người bị nhiễm độc. Trừ phi nhãn mác hoặc phiếu chỉ dẫn an toàn hóa chất không có thông tin về thuốc giải độc, bạn có thể dùng than hoạt tính cho nạn nhân.
Nếu nhãn mác không có thông tin về thuốc giải độc thì bạn có thể cho nạn nhân uống một cốc nước hoặc cốc sữa nhưng không nên để nạn nhân uống quá nhiều.
nhất là sau khi thực hiện hướng dẫn sơ cấp cứu được ghi trên nhãn mác thì hãy nhanh chóng đưa nạn nhân tới phòng khám c bệnh viện. Khi đó hãy mang theo tên, nhãn mác hoặc bất kì thông tin gì về hóa chất gây ra tai nạn.
Nếu nạn nhân bất tỉnh, hãy đặt họ nằm nghiêng để tránh bị nghẹt thở khi bị nôn. Kiểm tra nhịp thở của nạn nhân và nhanh chóng đưa họ đến phòng khám.
Đặt nạn nhân nằm nghiêng giúp nạn nhân có thể thở được.
Sơ cứu
Những gì cần có sẵn ở nhà máy
Đội sơ cấp cứu để tổ chức tập huấn cho người lao động về cách xử lý các vấn đề khẩn cấp về hóa chất như: hô hấp nhân tạo, cách sử dụng vòi rửa mắt và vòi sen khẩn cấp và đưa nạn nhân đến phòng y tế ngay lập tức.
Các vật dụng sơ cấp cứu ban đầu như bình oxy, than hoạt tính, calcium gluconate hoặc các vật dụng khác dùng cho trường hợp bỏng hóa chất.
Số điện thoại khẩn cấp để gọi xe cấp cứu, thông báo đến phòng khám, bệnh viện và cơ quan an toàn vệ sinh lao động khi có tai nạn xảy ra.
Hệ thống vòi rửa mắt và vòi sen khẩn cấp được đặt ở mọi khu vực làm việc nơi có sử dụng hóa chất.
Máy kiểm soát không khí có chuông cảnh báo để báo động cho mọi người khi nồng độ hóa chất trong không khí vượt quá mức quy định.
Nước sạch để uống.
Phương tiện bảo vệ cá nhân hàng ngày cũng như trong trường hợp xảy ra tai nạn hay xử lý hóa chất. Trang bị thêm quần áo và giày bảo hộ dự phòng với đủ loại kích cỡ để người lao động có thể thay khi cần.
Nếu không có vòi rửa mắt, hãy đổ nước sạch từ phía trong của mắt sang phía ngoài của mắt gần tai.