Hesperian Health Guides
Tiếp xúc với hóa chất
HealthWiki > An toàn vệ sinh lao động > Chương 8: Các mối nguy hiểm từ hóa chất > Tiếp xúc với hóa chất
Không được! |
Cẩn thận! Không ngửi, nếm thử hoặc chạm vào hóa chất để xem chúng là gì. |
Các loại hóa chất được sử dụng tại nhà máy có thể tác động đến sức khỏe của bạn nếu chúng đi vào cơ thể bạn. Một số loại hóa chất ở thể nhất định gây nguy hiểm hơn ở thể khác. Ví dụ, các chất rắn và chất lỏng dạng đặc nằm yên một chỗ, khó có thể bay trong không khí trừ khi bị nghiền nát, đun nóng, cắt vụn tạo ra bụi và khói độc. Chất ở dạng bột, hơi sương hay khí cùng với dạng bụi, khói, hơi gây nguy hiểm hơn vì chúng bị phát tán nhanh chóng trong không khí. Chúng còn ở dạng phân tử nhỏ nên rất dễ chui vào mũi và phổi. Trong trường hợp hóa chất bị tràn ra sàn, cửa sổ, các bề mặt làm việc, trong máy móc, hệ thống hút chân không và đường ống thông gió, khả năng bạn tiếp xúc với chúng là rất lớn.
Mục lục
Dấu hiệu của phơi nhiễm
- Bạn gặp các vấn đề về mũi, họng, phổi và khó thở.
- Bạn cảm thấy có hóa chất trên da của mình, đặc biệt là vùng da đó bị bỏng hoặc ngứa. Bạn cũng có thể thấy vết phát ban hoặc các vấn đề về da khác tại chỗ bị dính hóa chất.
- Bạn cảm thấy có vị hóa học trong miệng hoặc từ quá trình thở, nuốt hoặc hấp thụ nó qua da.
- Bạn thấy xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, hay cáu gắt hoặc mệt mỏi.
Nếu có bất kì một trong các dấu hiệu trên, bạn hãy tránh xa hóa chất và thông báo với đồng nghiệp và người quản lý của mình về ảnh hưởng xấu của hóa chất tại nơi làm việc.
Vì các dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe phải mất một thời gian dài mới biểu hiện nhất là các bệnh liên quan đến sinh sản hoặc ung thư, do vậy nếu bạn nghi ngờ bị phơi nhiễm thì hãy thông báo với đồng nghiệp và người quản lí của mình, sau đó hãy hành động để tình trạng không trở nên tồi tệ hơn.
Các chuyên gia về ATVSLĐ thường được yêu cầu điều tra và làm hạn chế tiếp xúc với hóa chất. Khi hỏi về phơi nhiễm hóa chất, họ sẽ tiến hành phỏng vấn kín với những người từ các khu vực khác nhau của nhà máy để không ai có thể đoán ra người đã cung cấp những thông tin cụ thể.
Hóa chất xâm nhập vào cơ thể như thế nào
Qua đường hô hấp bằng mũi và miệng. Khi bạn ngửi thấy mùi hóa chất tức là bạn đã hít phải nó. Nhưng có một số loại hóa chất không mùi hoặc bạn đã quen với mùi đó rồi nên hít phải nó mà bạn không hề biết.
Qua da và mắt khi bạn tiếp xúc với hóa chất qua da hoặc qua các vết thương trên da. Đôi khi bạn nhìn thấy màn sương hóa chất, hóa chất dạng giọt, khói hay hơi hóa chất. Nếu không được loại bỏ bằng máy hút khí hoặc hệ thống thông gió, chúng sẽ bị hấp thụ qua da và tuyến lệ của bạn cũng như qua mũi và miệng.
Qua đường miệng. Bạn không ăn hóa chất vì bạn biết là nó độc hại nhưng điều này xảy ra khi hóa chất dính trên tay hoặc quần áo, sau đó thức ăn hoặc điếu thuốc chạm vào và chúng đi theo vào miệng của bạn. Bụi hóa chất hoặc hóa chất bắn lên, chúng có thể dính lên môi hoặc đi vào bên trong miệng của bạn. Bạn cũng có thể nuốt hóa chất đã có trong thuốc lá, thực phẩm hoặc nước uống. Điều này xảy ra thường xuyên hơn bạn nghĩ.
Xác định mức độ tiếp xúc
Nếu bạn bị dính một chút hóa chất và rửa nó đi ngay thì có thể coi là không bị tiếp xúc nhiều. Nếu hóa chất bắn tung lên và bạn hít phải nó; trường hợp này có thể coi là bị tiếp xúc nhiều. Các loại hóa chất khác nhau gây ra mức nguy hiểm khác nhau tùy vào số lượng.
Khi tai nạn lao động xảy ra ở nhà máy, thông thường người lao động và người sử dụng lao động đều biết tình trạng tiếp xúc. Nhưng việc tiếp xúc gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động phần lớn là do tiếp xúc với hóa chất hàng ngày và thường xuyên. Chỉ cần tiếp xúc với một lượng rất nhỏ hóa chất mỗi ngày trong một thời gian dài cũng có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Người sử dụng lao động và chính phủ phải có trách nhiệm giám sát hóa chất tại nơi làm việc và phải có những hành động để giảm thiểu sự tiếp xúc với hóa chất mà gây hại tới sức khoẻ con người. Nhưng thật không may là, nhiều công ty không xác định mức độ tiếp xúc và không làm đủ mọi cách để phòng ngừa chúng. Còn chính quyền địa phương thì thường thiếu nhân lực, thiếu thiết bị hoặc có tiêu cực trong việc thực thi các tiêu chuẩn về an toàn đối với các doanh nghiệp.
Nhiều hóa chất với mức độ được coi là an toàn vẫn có thể gây hại đến sức khỏe của người lao động. Nếu bạn đang lo lắng hoặc cho rằng bạn đang tiếp xúc với một chất nào đó làm bạn bị bệnh, hãy hỏi chuyên gia ATVSLĐ, đồng nghiệp, công đoàn, cơ quan môi trường hoặc nhân viên y tế để giúp bạn tìm hiểu thêm về các loại hóa chất bạn đang tiếp xúc. Nhiều chuyên gia ATVSLĐ sẽ nói cho bạn biết nếu tiêu chuẩn hiện hành chưa đủ tin cậy, giúp bạn và những đồng nghiệp khác theo dõi các triệu chứng bệnh trong sổ ghi chép về tình hình sức khỏe. Người lao động vẫn đang tiếp tục đấu tranh với người sử dụng lao động, công ty hóa chất và thậm chí với cả chính phủ để ngăn chặn việc sử dụng loại hóa chất gây hại tới sức khỏe con người.