Hesperian Health Guides
Bảo vệ người lao động tránh các tác hại của hóa chất
HealthWiki > An toàn vệ sinh lao động > Chương 8: Các mối nguy hiểm từ hóa chất > Bảo vệ người lao động tránh các tác hại của hóa chất
Mục lục
- 1 Tránh để da và mắt tiếp xúc với hóa chất
- 2 Giảm thiểu lượng hóa chất trong không khí
- 2.1 Giảm hơi, khí độc từ hộp chứa để mở
- 2.2 Giảm lượng hơi hóa chất bốc ra từ bồn chứa
- 2.3 Giảm khói từ quá trình hàn và đúc nhựa
- 2.4 Vệ sinh thường xuyên nơi làm việc
- 2.5 Giảm hơi sương và bụi
- 2.6 Thông gió làm giảm lượng hóa chất trong không khí
- 2.7 Bao che kín máy móc
- 2.8 Sử dụng mặt nạ khi cần thiết
- 3 Tránh để hóa chất dính vào miệng và đi vào bụng
- 4 Hóa chất vào miệng khi hút thuốc
- 5 Ngăn ngừa sự cố tràn và rò rỉ hóa chất
Tránh để da và mắt tiếp xúc với hóa chất
Khi máy móc và các thiết bị không được lắp đặt đúng hoặc vận hành kém có thể dẫn đến rò rỉ hoặc đổ, tràn hóa chất ra ngoài, gây nên các sự cố và tai nạn. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm trong việc cung cấp đầy đủ các trang thiết bị theo đúng quy chuẩn, hướng dẫn và đào tạo người lao động để bảo vệ họ tránh tai nạn và rò rỉ hóa chất. Thậm chí nếu điều kiện làm việc trong nhà máy không như mong muốn thì người lao động vẫn có thể sắp xếp, bố trí lại khu vực làm việc và công việc của mình để ngăn chặn các sự cố hóa chất xảy ra (bắn, rò rỉ, đổ, tràn…).
Sử dụng công cụ khi tiếp xúc với hóa chất
Tránh tiếp xúc trực tiếp bằng tay với hóa chất. Dùng bàn chải, muôi, dụng cụ có cán dài để trộn, đo hoặc sử dụng hóa chất. Người sử dụng lao động phải cung cấp những dụng cụ này, tuy nhiên người lao động cũng cần tìm hiểu việc sử dụng các công cụ hoặc sáng tạo ra công cụ mới phù hợp với từng công việc đặc thù. Ngoài ra, người lao động cũng cần sử dụng công cụ phù hợp với mình. Nếu công cụ quá lớn hoặc quá nặng thì sẽ dễ dẫn đến sự cố hóa chất tràn ra ngoài và lãng phí nguyên liệu.
Sử dụng quần áo và thiết bị bảo hộ lao động
Găng tay vải, găng tay da, găng tay cao su, tạp dề, áo dài tay, giày và ủng chỉ giúp người lao động bảo vệ da khỏi bụi, chất bột và các hóa chất dạng rắn khác. Chúng chỉ bảo vệ người lao động trước một lượng rất nhỏ hóa chất lỏng bắn ra. (Tham khảo Chương 18: Thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE)). Người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp trang thiết bị bảo vệ cá nhân cho người lao động cũng như thay thế khi chúng bị hỏng mà không được tính bất cứ phí nào.
Tuy nhiên, trang thiết bị bảo vệ cá nhân không loại trừ được các nguy hiểm của hóa chất mà bạn tiếp xúc — nó chỉ hạn chế những tác động có hại lên người lao động. Quần áo bảo hộ có thể nóng và không thoải mái; găng tay, tạp dề, khẩu trang hoặc kính bảo hộ có thể gây hại nếu không vừa với người sử dụng. Những phương tiện bảo vệ cá nhân quá rộng thì chúng không thể đảm bảo an toàn cho người lao động. Găng tay quá rộng gây khó khăn trong việc cầm nắm các dụng cụ và xử lý chính xác công việc. Trang phục bảo hộ quá dài và rộng có thể bị vướng vào máy móc và là nguyên nhân khiến người lao động bị vấp, ngã.
Nếu hóa chất dính vào quần áo, hãy cởi bỏ quần áo ra và rửa vùng da bị dính hóa chất ngay lập tức.
Giảm thiểu lượng hóa chất trong không khí
Khi hóa chất lơ lửng trong không khí, chúng ta dễ hít phải chúng. Hóa chất dạng khí, khói, hơi sương, bụi có thể bị hấp thụ và đi vào cơ thể qua da, qua mắt và qua miệng. Mặc dù chúng ta không thể hoàn toàn loại bỏ hết được lượng hóa chất trong không khí, nhưng chúng ta có thể hạn chế được lượng hóa chất hấp thụ vào cơ thể.
Giảm hơi, khí độc từ hộp chứa để mở
Tránh để khí độc bay ra ngoài không khí bằng cách đậy nắp hộp khi không sử dụng. Để hộp mở vừa đủ kích thước với dụng cụ dùng để tiếp xúc với hóa chất. Hãy sử dụng dụng cụ nhỏ hơn, vừa đủ với lượng hóa chất cần dùng. Càng ít sử dụng hóa chất thì càng ít hít phải hơi độc có trong không khí.
Hít phải quá nhiều hơi hóa chất là rất nguy hiểm. | Đậy nắp hộp và dùng lượng hóa chất vừa đủ. |
Giảm lượng hơi hóa chất bốc ra từ bồn chứa
Đậy nắp bồn khi không sử dụng sẽ làm cho hơi khí độc không thoát ra ngoài. |
Các hơi khí độc thoát ra từ bồn hóa chất có thể đi vào cơ thể con người qua đường mũi, mắt, miệng và da. Với một số bồn không có lỗ thông gió thì một số nhà máy cho thêm chất chống tạo bọt vào trong bồn để giảm lượng hơi thoát ra. Một số khác thì cho vào bồn những miếng nhựa hoặc bóng nhựa để giảm lượng hơi độc thoát ra ngoài. Lượng hơi độc thoát ra ngoài sẽ ít hơn khi bồn nóng được giữ để tránh tăng nhiệt và được làm nguội đi khi không sử dụng.
Giảm khói từ quá trình hàn và đúc nhựa
Nhiệt độ hàn tối đa là từ 200° - 250°C tránh việc tạo ra khói hàn chứa chì |
Việc hàn sẽ tạo ra khói khi hàn sắt hoặc khi máy hàn sóng quá nóng. Nếu que hàn có chứa chì thì khói bay ra sẽ rất nguy hiểm. Do đó dùng thông gió hút cục bộ sẽ hút hết khói độc hại ngay tại nguồn phát sinh. Người lao động có thể điều chỉnh nhiệt độ của mối hàn và máy hàn để tránh hàn ở nhiệt độ quá cao. Khói hàn sẽ thoát ra ít hơn khi hàn ở nhiệt độ thấp.
Để tránh việc tạo ra khói độc trong quy trình xử lý nhựa, người lao động cần có thời gian để điều chỉnh và bảo trì máy móc. |
Máy làm nhựa sẽ đun chảy nhựa để đổ vào khuôn. Để giảm khói độc, chỉ đốt nóng nhựa ở mức nhiệt vừa đủ cho nhựa chảy và có thể đổ được vào khuôn. Máy làm nhựa cũng cần phải được cài đặt cho từng lô sản phẩm và được bảo trì cẩn thận để kiểm soát được nhiệt độ và thời gian.
Vệ sinh thường xuyên nơi làm việc
Hóa chất có thể ở dạng bụi, muội than, hơi sương bám trên bàn làm việc, trên tường hoặc sàn nhà ở mọi nơi trong nhà máy. Nếu chúng ta không vệ sinh ngay lập tức, hóa chất có thể dính vào da hoặc quần áo người lao động. Việc dọn dẹp thường xuyên làm giảm lượng hóa chất trong nhà máy. Và vệ sinh sạch sẽ là điều đặc biệt quan trọng ở những nơi sử dụng hóa chất độc hại.
Giảm hơi sương và bụi
Khi bạn phun hóa chất, một lượng lớn hóa chất sẽ phát tán trong không khí hoặc bám trên các bề mặt phía dưới và phía sau của bộ phận cần phun. Nếu phải phun sơn, hãy sử dụng lượng hóa chất ít nhất có thể đủ để sơn phủ bề mặt đó. Một buồng phun riêng biệt sẽ giúp hạn chế hóa chất lan đến các khu vực khác.
Việc phun các hóa chất dễ cháy có thể tạo ra hơi khí dễ phát nổ hoặc dễ bắt lửa. Chỉ nên phun hóa chất dễ gây cháy ở trong buồng phun hoặc nơi có hệ thống thông gió tốt.
Không nên sử dụng hóa chất dễ cháy quanh khu vực xử lý sản phẩm có tia lửa hoặc có nhiệt như hàn, bồn chứa nóng, lò nung hoặc máy đúc khuôn nhựa.
Việc phun xịt khiến rất nhiều hóa chất phát tán vào không khí. | Sử dụng bàn chải hoặc miếng xốp mềm để quét hóa chất vào đúng vị trí cần làm. |
Thông gió làm giảm lượng hóa chất trong không khí
Bạn không thể ngăn hóa chất phát tán trong không khí tại nhà máy. Tuy nhiên việc thông gió có thể giúp làm giảm lượng hóa chất mà bạn hít vào. Hệ thống thông gió cục bộ sẽ hút hơi hóa chất trước khi chúng lan rộng khắp nhà máy. Các cửa thông gió trên mái và quạt hút sẽ hút bụi và khí độc ra khỏi các khu vực nhà máy. Tuy nhiên điều này chỉ có thể bảo vệ được NLĐ trong nhà máy nhưng nếu các khí độc này thoát ra ngoài mà không được lọc sạch, chúng sẽ bị lẫn vào và gây ô nhiễm môi trường xung quanh. (Để biết thêm thông tin, xem Chương 17: Thông gió).
Bao che kín máy móc
Máy móc lớn hoạt động sản sinh ra rất nhiều khói, hơi hóa chất, do vậy chúng cần được che chắn kỹ trong một hộp lớn có thông gió để đảm bảo an toàn. Hộp sẽ đóng kín khi máy hoạt động và chỉ mở ra để nạp, điều chỉnh, làm vệ sinh và sửa chữa. Hệ thống thông gió sẽ loại bỏ hơi nước và khói ra khỏi máy và ra khỏi nhà máy. Một số hộp thay vì thải thẳng khói ra ngoài, nó sẽ hút và lọc khói trước khi thải vào môi trường.
Nhiều máy móc trong ngành sản xuất điện tử, giày hay may mặc được đặt trong hộp kín, chẳng hạn như máy hàn tự động, máy xử lý nhựa, máy làm khuôn hay lò nung. Những máy này có hệ thống hút và xử lý khói, hơi sương và bụi. Để làm vệ sinh và sửa chữa những máy này cần phải có những người được đào tạo. Nhân viên bảo trì cần được trang bị các thiết bị bảo hộ với mức độ bảo vệ cao nhất hiện có để tránh bị tiếp xúc.
Sử dụng mặt nạ khi cần thiết
Phải kiểm tra mặt nạ có vừa vặn với mặt của người dùng. Xem Cách kiểm tra và sử dụng mặt nạ. |
Đôi lúc việc sử dụng mặt nạ là cần thiết; tuy nhiên đây không phải là biện pháp tốt nhất để phòng ngừa việc hít phải hóa chất. Biện pháp tốt nhất là chỉ nên sử dụng hóa chất không gây hại nếu hít phải, che kín máy móc không cho nó thải khí độc ra và lắp đặt hệ thống thông gió tốt. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng mặt nạ thì dùng loại có hộp lọc hoặc có đường cấp khí riêng. Tuy nhiên, việc đeo mặt nạ sẽ cảm thấy nóng, không thoải mái và khó thở. Bộ phận lọc khí và các phần khác của mặt nạ cần được làm sạch và thay thế thường xuyên.
Đeo mặt nạ là biện pháp cuối cùng. Chỉ sử dụng chúng khi bạn cho rằng mình có khả năng tiếp xúc với hóa chất có trong không khí. Nhân viên bảo trì hoặc người lao động xử lý hóa chất nguy hiểm cần phải đeo đúng loại mặt nạ có hộp lọc hoặc có đường cấp khí riêng. Tìm hiểu về các loại mặt nạ và cách dùng.
Rửa sạch hóa chất bằng xà phòng và nước |
Tránh để hóa chất dính vào miệng và đi vào bụng
Không ai muốn để hóa chất dính vào miệng. Tuy nhiên, hóa chất rất dễ dính vào tay hoặc quần áo, từ đó dính vào miệng chúng ta. Kể cả khi đã đi găng tay, nhưng khi tháo ra hoặc găng tay hỏng thì hóa chất vẫn có thể dính vào tay. Khi hóa chất đã dính vào tay thì nó sẽ dây vào bất cứ thứ gì mà người lao động chạm phải.
Để tránh hóa chất dính vào miệng, cần phải rửa tay trước khi chạm vào đồ ăn, chén đĩa hoặc thuốc lá. Điều này đặc biệt quan trọng đối với người lao động tiếp xúc với chì, amiăng, bột màu, que hàn và bụi độc hại từ quá trình mài, đúc và đổ khuôn kim loại.
Nguồn nước bị nhiễm độc
Tại Hoa Kỳ, nguồn nước máy được coi là nước sạch để uống. Tại thung lũng Silicon bang California, nguồn nước uống bị ô nhiễm bởi ngành công nghiệp chế tạo điện tử. Các công ty sản xuất thiết bị bán dẫn khởi nghiệp ở đây nào những năm 1980. Cả chúng tôi và chính quyền địa phương đều không biết nhiều về họ. Chính vì vậy mà họ làm mọi thứ họ muốn như xả nước thải độc hại thẳng ra sông, để rò rỉ hàng nghìn lít hóa chất độc hại vào đất.
Lúc đầu họ nói họ không làm vậy. Sau đó họ bảo rằng hóa chất không độc hại, không bị phát tán ra cả bang và điều này là hoàn toàn bình thường. Thực tế chúng tôi thấy hóa chất họ sử dụng đã làm nhiễm độc nguồn nước nơi đây. Chúng tôi đã phải cùng đấu tranh để yêu cầu các công ty này phải chịu trách nhiệm. Chính quyền và các đơn vị độc lập đã đến lấy mẫu kiểm tra nguồn nước. Kết quả là có nhiều loại hóa chất được tìm thấy và thung lũng Silicon bị nhiễm độc còn hơn những nơi khác trên đất nước. Như vậy, trong vòng 30 năm, một số loại chất độc hại nhất được tìm thấy trong nguồn nước ở đây. Còn công tác lọc nước thải, xử lý rác thải sẽ phải mất thêm hàng chục năm nữa.
Để nước uống tránh xa các loại hóa chất
Để có sức khỏe tốt thì cơ thể cần được cung cấp lượng nước đầy đủ. Tuy nhiên, hóa chất có thể có trong nước hoặc ở trong những chiếc cốc mà bạn sử dụng, do đó, nước uống cũng có thể trở thành mối nguy hại.
- Cần chắc chắn nhà máy cung cấp đủ nước sạch phục vụ nhu cầu uống nước.
- Đậy kín các bình đựng nước để tránh hóa chất hoặc bụi bẩn có thể bay vào.
- Đặt các bình nước ở nơi an toàn. Rửa tay sạch trước khi mở bình nước.
Không bao giờ để hóa chất vào các hộp đựng thức ăn hoặc đồ uống, hoặc hộp tương tự dùng để đựng thực phẩm. Mọi người thường nghĩ rằng chai đựng đồ uống chỉ chứa nước uống chứ không phải hóa chất nguy hiểm. Do đó, có một số người đã nhầm lẫn và uống nhầm phải hóa chất từ các chai này.
Không bao giờ để thức ăn vào các hộp đựng hóa chất. Ngay cả khi các hộp đó đã được rửa tưởng như sạch nhưng thực ra vẫn còn dính một lượng nhỏ hóa chất và nó sẽ bám vào thức ăn, đồ uống và bạn có thể ăn/uống phải chúng!
Hóa chất vào miệng khi hút thuốc
Hút thuốc lá ở nơi làm việc chỉ làm tăng thêm lượng khí độc trong không khí, gây ảnh hưởng tới mọi người, kể cả người hút hoặc không hút.
Hóa chất dính vào thuốc lá
Nếu tay bạn bị dính hóa chất và bạn cầm điếu thuốc, khi đó hóa chất sẽ dính vào điếu thuốc bạn đang cầm. Khi bạn đưa điếu thuốc có dính hóa chất vào miệng, bạn đã hấp thu phải một lượng hóa chất. Khi bạn hút thuốc có dính hóa chất, hóa chất sẽ cháy và bạn sẽ hít phải chúng.
Khói thuốc lá rất nguy hại cho sức khỏe
Khói thuốc lá có chứa nhiều hóa chất nguy hiểm, đó là khói do cháy lá thuốc, giấy và một số hương liệu tẩm cho thuốc có vị khác nhau. Khói thuốc mang theo các phân tử nhỏ gây kích ứng mắt và cổ họng. Khi hít phải khói thuốc lá, hóa chất sẽ đi vào phổi và là nguyên nhân gây ra bệnh ung thư phổi, bệnh tràn khí phổi, hen suyễn và các bệnh nguy hiểm khác. Nếu bạn đang mắc bệnh nào đó, khói thuốc lá cũng góp phần khiến cho tình trạng bệnh trở nên tồi tệ hơn. Hàng năm có hàng triệu người lao động chết vì hút thuốc lá. Còn các công ty sản xuất thuốc lá lớn đang kiếm được hàng triệu đô la từ những người chết vì thuốc lá.
Anh khác nào con khỉ với điếu thuốc trên môi
Bạn tôi ơi hãy cẩn thận!
Anh em ơi xin hãy coi chừng!
Một đóm lửa nhỏ trên môi và anh là kẻ dại.
Ngăn ngừa sự cố tràn và rò rỉ hóa chất
Việc ngăn ngừa hóa chất tràn, đổ ra ngoài sẽ dễ dàng và an toàn hơn là làm sạch và xử lí chúng.
- Thiết kế các kho dự trữ và phòng pha trộn hóa chất có thể chống cháy, được thông gió tốt, kiểm soát được nhiệt độ và dễ dàng vệ sinh.
Chiết dung môi sang các lọ nhỏ hơn có dán nhãn. |
- Vận chuyển hóa chất đựng trong các thùng kín, không dễ vỡ. Nếu vận chuyển các thùng chứa hóa chất dạng lỏng hoặc dạng bột bằng xe đẩy thì nên sử dụng xe có khay hoặc có thành bao.
- Sử dụng các thùng nhỏ để chứa hóa chất tại nơi làm việc. Phòng tránh rò rỉ hóa chất sẽ dễ dàng hơn khi số lượng lớn hóa chất cũng như các thùng chứa lớn được đặt ở khu chứa riêng biệt.
- Nắp các thùng chứa hóa chất hoặc van nên được đặt ở phía trên.
- Đổ hóa chất từ thùng này sang thùng khác nên sử dụng vòi đối với hóa chất dạng lỏng, gàu múc hay dụng cụ khác đối với hóa chất dạng rắn như hồ bột, bột hoặc viên. Nên đặt khay bên dưới để hứng nếu hóa chất có tràn ra ngoài.
- Đặt các thảm tĩnh điện ở xung quanh khu vực bảo quản dung môi dễ cháy để phòng ngừa trường hợp tĩnh điện, gây ra cháy nổ. Khi chuyển dung môi từ thùng này sang thùng khác, để tránh cháy nổ, nên nối đất cho mỗi thùng chứa. Hoặc có thể nối tiếp đất cho một thùng còn các thùng khác nối với thùng đã tiếp đất, tạo thành một hệ thống dẫn điện kín.
- Kiểm soát nhiệt độ trong quá trình xử lý nhựa. Khi nhựa nóng chảy quá mức, nó có thể bị rò hoặc tràn ra.
- Cần kiểm tra và bảo dưỡng thường xuyên các thùng chứa, ống dẫn, máy bơm, van, máy móc để tránh rò rỉ hóa chất, đặc biệt đối với các thiết bị ngắt tự động hoặc bằng tay. Cần phát hiện sớm những bộ phận bị hỏng hóc hoặc bị mòn để kịp thời sửa chữa hoặc thay thế trước khi xảy ra rò rỉ hóa chất.
Giải quyết sự cố tràn hóa chất nhỏ
Điều quan trọng nhất sau sự cố hóa chất bị tràn là bảo vệ an toàn cho bản thân và đồng nghiệp. Nếu bạn không thể làm sạch hóa chất bị tràn một cách an toàn, hãy giúp mọi người rời khỏi khu vực đó.
- Nếu có người được đào tạo để xử lý sự cố tràn hóa chất — hãy gọi họ đầu tiên.
- Luôn luôn mặc quần áo bảo hộ, gồm ủng cao su, kính an to và găng tay khi xử lý hóa chất bị tràn.
1. Kiểm soát sự cố Tìm ra nguyên nhân và chặn đứng nguyên nhân. Đóng thiết bị rò rỉ. Dựng lại thùng chứa hóa chất cho ngay ngắn. Đặt thùng chứa bị rò rỉ vào trong một chiếc thùng chứa khác. |
|
2. Khoanh vùng hóa chất bị tràn Đổ đất, cát, mùn cưa, đất sét hoặc vật thấm hút tương tự vào chỗ hóa chất bị tràn để hóa chất thấm vào và không bị lan ra xung quanh. Nếu vật liệu thấm hút dễ bị thổi bay, hãy phủ lên trên vật liệu đó một tấm nhựa. |
|
3. Xử lý hóa chất bị tràn Xúc, đổ vật liệu vào trong thùng kim loại hoặc thùng nhựa dày. Dán lên thùng tên của hóa chất một cách rõ ràng kèm dòng chữ “chất thải”. Không rửa khu vực hóa chất bị tràn bằng nước vì nó sẽ khiến hóa chất lan rộng ra và làm sự việc trở nên tồi tệ hơn. Người sử dụng lao động phải có trách nhiệm xử lý chất thải hóa chất đúng cách. Nếu người sử dụng lao động không thực hiện trách nhiệm của mình, hãy tố cáo (ẩn danh) tới cơ quan môi trường địa phương. |
Những gì phải chuẩn bị sẵn trong nhà máy:
- đào tạo, hướng dẫn công nhân xử lý sự cố tràn hóa chất;
- thực hành sơ tán;
- đặt các dụng cụ, thiết bị bảo hộ, vật liệu làm sạch và thùng chứa ngay gần nơi dự trữ hóa chất hoặc nơi hóa chất được sử dụng;
- số điện thoại của cơ quan chức năng để thông báo về sự cố và số điện thoại của dịch vụ trợ giúp khẩn cấp để yêu cầu giúp đỡ.