Hesperian Health Guides
Các bệnh do hóa chất gây ra
HealthWiki > An toàn vệ sinh lao động > Chương 8: Các mối nguy hiểm từ hóa chất > Các bệnh do hóa chất gây ra
Hóa chất ảnh hưởng đến con người theo nhiều cách khác nhau. Một số người có thể bị nhức đầu, chóng mặt, da bị phát ban và các biểu hiện tức thời khác. Những người khác có các vấn đề sức khỏekhông biểu hiện ngay lập tức hoặc chỉ xuất hiện bên trong cơ thể mà họ không thể nhìn thấy hoặc cảm nhận được. Một số hóa chất chỉ gây ra một loại vấn đề scs khỏe trong khi các hóa chất khác lại là nguyên nhân của rất nhiều ấn đề sức khỏe.
Mục lục
Các ảnh hưởng sức khỏe cấp tính
Khi hóa chất tiếp xúc với da hoặc xâm nhập vào mũi, miệng hoặc dạ dày, nó có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe ngay lập tức. Trường hợp này được gọi là ảnh hưởng cấp tính.
Bỏng rát, khó thở, hoa mắt, ho, cảm thấy chóng mặt hoặc ngất xỉu là các ví dụ về ảnh hưởng cấp tính. Các ảnh hưởng cấp tính cần được điều trị một cách nhanh chóng để ngăn ngừa tổn thương lâu dài.
Các ảnh hưởng sức khỏe mãn tính
Khi hóa chất xâm nhập hoặc ở bên trong cơ thể của bạn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm, chúng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe mãn tính. Tiếp xúc với nhiều hóa chất cùng một lúc cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe mãn tính.
Ung thư, suy thận và gan, các bệnh về hệ thần kinh và bại não là những ví dụ về các vấn đề sức khỏe mãn tính. Các vấn đề này có thể xuát hiện sau nhiều tháng hoặc nhiều năm tiếp xúc. Một số bệnh mãn tính có thể điều trị (một vài bệnh ung thư) hoặc kiểm soát được (suy thận). Một số bệnh mãn tính có thể là vĩnh viễn (bại não và tổn thương hệ thần kinh).
Trao đổi với nhân viên y tế về loại hóa chất bạn sử dụng
Nếu bạn đến gặp nhân viên y tế để cần tư vấn về các vấn đề do hóa chất gây nên, hãy mang theo nhãn mác của thùng chứa loại hóa chất đó hoặc viết tên loại hóa chất hoặc sản phẩm mà bạn tiếp xúc. Bạn hãy mô tả loại hóa chất đó trông như thế nào, mùi vị ra sao và nó được sử dụng với mục đích gì. Giải thích vì sao bạn cho rằng hóa chất này là nguyên nhân gây ra bệnh hoặc chấn thương của bạn. Mặc dù hầu hết các bác sĩ không biết nhiều về hóa chất, nhưng họ có thể tiếp cận với nhiều nguồn thông tin để tìm hiểu về các tác hại của chúng tới sức khỏe.
Hóa chất gây kích ứng da, mắt, mũi và họng
Khi bạn làm việc với hóa chất, mắt của bạn có thể bị đỏ và ngứa. Bạn có thể bị phát ban da, hắt hơi hoặc ho hay đau họng, chảy nước mũi, khó thở trong hoặc sau giờ làm việc. Các kích thích này thường dần mất đi khi bạn không tiếp xúc với hóa chất nữa. Kích thích là dấu hiệu đầu tiên khi hóa chất có tác động xấu đối với cơ thể của bạn. Để tìm hiểu thêm về các hóa chất trong môi trường làm việc, tham khảo PHỤ LỤC B: Các hóa chất và nguyên vật liệu phổ biến.
Bỏng hóa chất
Bỏng hóa chất nhẹ làm cho vùng da bị đỏ nhưng lành rất nhanh. Bỏng nặng tạo nên nhiều vết rộp trên da. Bỏng nặng có thể làm tổn thương da sâu như bị bỏng do thuốc tẩy đậm đặc hoặc amôniắc. Các vết bỏng từ axít hydrofloric thường không xuất hiện hoặc không bị tổn thương ngay lập tức nhưng bỏng rất sâu. Một số vết bỏng khiến cho da lạnh và tê, ví dụ như bỏng từ khí dopant.
Nếu một lượng nhỏ hóa chất bắn lên người bạn, hãy rửa sạch ngay lập tức và xả lại bằng nước sạch trong vòng 15 phút, sau đó thì thay quần áo và phương tiện bảo vệ cá nhân.
Hóa chất gây dị ứng
Dị ứng xuất hiện khi cơ thể phản ứng với hóa chất bằng các dấu hiệu thường thấy như phát ban trên da, kích thích mắt hoặc mũi, ngứa, chảy nước mắt, ho hoặc khó thở. Phản ứng dị ứng với hóa chất xảy ra sau khi người lao động tiếp xúc với hóa chất và chúng dần mất đi khi họ ngừng sử dụng. Những người lao động khác trong khu vực làm việc có thể không có phản ứng, tuy nhiên bạn có thể bị. Dị ứng có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Một khi người lao động đã bị dị ứng với hóa chất, thì sẽ luôn luôn bị dị ứng với nó. Dị ứng hóa chất sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu người lao động tiếp tục sử dụng hóa chất này và nó có thể giết chết họ nếu không có các trợ giúp y tế ngay lập tức. Người lao động bị dị ứng hóa chất nên được phân công làm một công việc khác không có hại tới sức khỏe. Không nên sa thải người lao động như vậy.
Hóa chất gây ra bệnh hen suyễn và các bệnh về đường hô hấps
Bệnh hen suyễn xuất hiện khi các nang phế quản bị viêm, gây cản trở không khí vào phổi. Khó thở, tức ngực, thở khò khè là những dấu hiệu của bệnh hen suyễn. Bệnh hen suyễn có thể là vấn đề sức khỏe tức thời và bệnh này không xuất hiện nếu bạn tránh khỏi các chất gây hen. Nhưng phần lớn hen suyễn là bệnh mãn tính, có nghĩa là bệnh sẽ kéo dài, thậm chí suốt đời.
Có một số người mắc bệnh hen suyễn bẩm sinh, một số khác là do dị ứng mà thành và một số khác là do tiếp xúc hóa chất khi làm việc. Hít phải các phân tử vật liệu nhỏ được sử dụng trong nhà máy như: bụi bông, bụi cát, bụi nhựa epoxy, hợp chất isocyanate, thuốc nhuộm và hóa chất có thể gây ra bệnh hen suyễn. Nếu bạn đã mắc bệnh hen suyễn, khi hít phải những nguyên vật liệu này sẽ khiến bệnh trở nên nặng hơn.
Hóa chất gây hại đối với các cơ quan nội tạng
Một số hóa chất từ từ gây hại và phá hủy các bộ phận cơ thể như não, thần kinh, gan, thận, phổi. Nuốt hoặc hít phải một số hóa chất có thể gây nhiễm độc ngay lập tức hoặc gây bỏng bên trong cơ thể. Hóa chất có thể khiến bạn tử vong nếu không có các trợ giúp y tế ngay tức thì. Một số loại hóa chất khác có thể gây nhiễm độc từ từ rồi khiến bạn bị bệnh nặng và dẫn đến tử vong. Hóa chất cũng có thể làm suy yếu khả năng chống đỡ của cơ thể đối với các bệnh nhiễm trùng và một số bệnh khác.
Hóa chất gây ra các vấn đề về sức khỏe sinh sản và tình dục
Hầu hết phụ nữ đều có thể mang thai, có thai kì ổn định và sinh em bé khỏe mạnh. Nhưng hóa chất được sử dụng tại nơi làm việc có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe sinh sản cho cả nam giới và nữ giới. Một số hóa chất chỉ gây ra một lạo vấn đề sức khỏe nhưng các hóa chất khác có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cùng lúc.
Vấn đề kinh nguyệt: Một trong những dấu hiệu đầu tiên mà hóa chất làm tổn hại đến hệ sinh sản của phụ nữ đó là thay đổi chu kỳ kinh nguyệt. Chu kỳ kinh nguyệt không đều (không có chu kì, quá ngắn hoặc quá dài), trong khi trước đây chu kì kinh nguyệt bình thường là dấu hiệu cho thấy điều bất thường. Quá căng thẳng và các mối nguy hiểm xã hội khác cũng có thể dẫn đến thay đổi chu kỳ kinh nguyệt.
Vấn đề tình dục: Một số hóa chất làm giảm ham muốn tình dục ở cả nam giới và nữ giới. Hóa chất cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến các rối loạn cương dương ở nam giới.
Vấn đề về khả năng sinh sản: Một số hóa chất ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng và tinh hoàn ở nam giới, trứng và cơ quan sinh sản ở nữ giới, gây khó khăn trong việc thụ thai, mang thai hoặc có thể gây vô sinh.
Sảy thai: Hầu hết các trường hợp sẩy thai không phải do hóa chất gây ra. Tuy nhiên, nếu bạn hoặc bạn tình của bạn đã từng bị sẩy thai vài lần trong hoặc sau thời gian làm việc với hóa chất thì nguyên nhân có thể do hóa chất trong nhà máy của bạn. Để biết thêm thông tin về vấn đề sẩy thai, tham khảo Where Women Have No Doctor (Ở đâu phụ nữ không có bác sỹ) ở trang 234-235 và nghe tư vấn của nhân viên y tế.
Vấn đề liên quan tới thai nhi trong bụng mẹ: Một số hóa chất ảnh hưởng đến thai nhi trong bụng mẹ bởi chúng cản trở sự phát triển của bé. Em bé được sinh ra còi cọc hoặc thiếu cân. Một số hóa chất gây ra dị tật bẩm sinh, bao gồm các khuyết tật về thể chất hoặc thần kinh có thể thấy ngaykhi sinh ra hoặc phải sau một thời gian mới biểu hiện. Hóa chất gây dị tật bẩm sinh được gọi là hóa chất "quái thai". Bảng hướng dẫn an toàn hóa chất có chứa thông tin về loại hóa chất có thể gây dị tật bẩm sinh. Một số hóa chất ảnh hưởng đến não của bé và sẽ gây khó khăn đến khả năng học tập sau này của bé. Nhiều hóa chất có thể gây hại tới bé qua sữa mẹ.
Hóa chất gây ra bệnh ung thư
Ung thư là một căn bệnh nghiêm trọng tấn công các tế bào trong cơ thể và thay đổi cách các tế bào này phát triển. Tế bào ung thư phát triển thành khối u có thể xuất hiện ở bất kì nơi nào trong cơ thể: trên da, phổi, gan, máu, tủy xương, não và các bộ phận khác. Bạn có thể biết mình bị ung thư khi bạn chạm vào bộ phận cơ thể, chẳng hạn như ung thư vú. Một số ung thư ở bên trong cơ thể và khó phát hiện.
Nếu ung thư được phát hiện sớm thì bạn có thể được chữa khỏi. Nhưng một số bệnh ung thư rất khó chữa và sẽ gây tử vong.
Có rất nhiều lý do mà con người mắc bệnh ung thư. Một trong số đó là việc tiếp xúc với hóa chất. Bởi vì họ tiếp xúc với rất nhiều hóa chất tại nơi làm việc, ở nhà và trong cộng đồng, do đó thường rất khó để biết cũng như là chứng minh rằng bệnh ung thư được gây ra bởi một loại hóa chất tại nơi làm việc.
Hầu hết bệnh ung thư phát triển chậm và các dấu hiệu của bệnh không xuất hiện trong nhiều năm sau khi tiếp xúc với chất gây ra ung thư. Đối với những người lao động đó, điều này có nghĩa là họ đã bị ung thư sau nhiều năm tiếp xúc với các tác nhân gây ra bệnh.
Trong một tai nạn xe hơi, nạn nhân thường bị thương theo nhiều cách khác nhau. Một người chỉ thương nhẹ, người khác thì mất mạng. Mặc dù vết thương của họ là khác nhau, nhưng mọi người đều cho rằng nguyên nhân đều là do đụng xe gây ra. Nhưng khi một người lao động làm việc trong nhà máy sản xuất thiết bị điện tử bị ung thư do hóa chất và những người lao động khác vẫn khỏe, thì doanh nghiệp này nói rằng các hóa chất đó không gây ung thư. Tuy nhiên chúng ta đều biết, khoa học và pháp luật đều nhất trí rằng ung thư là do hóa chất gây ra bất luận NLĐ nào mắc bệnh và NLĐ nào không mắc.
| |