Hesperian Health Guides
Tìm hiểu về hóa chất trong nhà máy
HealthWiki > An toàn vệ sinh lao động > Chương 8: Các mối nguy hiểm từ hóa chất > Tìm hiểu về hóa chất trong nhà máy
Rất nhiều người lao động không nắm được loại hóa chất nào được sử dụng trong công việc của họ. Họ chỉ biết được giao những thùng chứa hóa chất không có nhãn mác hoặc chỉ biết hóa chất đó dựa trên tác dụng của chúng (“chất tẩy rửa kính”) hoặc bởi một cái tên do tự mình đặt (“hộp nhãn vàng”).
Người lao động có quyền được biết loại hóa chất mà họ sử dụng trong công việc. Qua việc tìm hiểu kỹ về hóa chất, bạn có thể tìm được sự giúp đỡ của các chuyên gia hoặc nhân viên y tế, bạn có thể lên kế hoạch với đồng nghiệp để sử dụng hóa chất một cách an toàn và cùng nhau thương thảo với người sử dụng lao động để tìm ra các giải pháp giảm thiểu rủi ro và loại bỏ các hóa chất độc hại trong quá trình sản xuất.
Mục lục
Chia sẻ với những người lao động khác
Hãy hỏi những người lao động khác về hiểu biết của họ về loại hóa chất ở nơi làm việc. Thu thập các tên gọi của hóa chất như: tên nhãn hiệu, tên gọi chung, tên gọi riêng. Liệt kê tất cả các đặc điểm của hóa chất giúp cho việc nhận dạng chúng dễ dàng hơn, ví dụ: hóa chất đó được sử dụng ở đâu và sử dụng như thế nào, màu sắc, mùi của nó ra sao, và bất kì hướng dẫn sử dụng nào mà người sử dụng lao động đã cung cấp (ví dụ: “Luôn đặt hóa chất trong nước, chứ không phải các cách khác!”). Trò chuyện với người lao động làm việc ở khu vực giao nhận hóa chất, người giữ kho, người pha trộn hoặc người dọn bỏ hóa chất và các thùng chứa hóa chất. Họ là những người nắm được thông tin về hóa chất hoặc biết cách tìm được thông tin.
Viết tất cả các vấn đề về sức khỏe khi vận chuyển hoặc sử dụng hóa chất trong công việc. Hãy đặt ra các câu hỏi như: Bạn có cảm thấy mệt trong hoặc sau giờ làm việc không? Bạn có thấy khu vực nào mà người lao động hay bị ốm không? Bạn có cảm thấy khỏe hơn không sau khi nghỉ ngơi một vài ngày?
Đó là hóa chất nào?
Nếu bạn biết tên một loại hóa chất, bạn có thể tìm hiểu được thông tin về tác động của loại hóa chất đó đến sức khỏe, nhưng nếu bạn không biết tên của loại hóa chất đó, bạn vẫn có thể tìm hiểu thông qua màu sắc, mùi, mục đích sử dụng hoặc các tính chất khác của nó. (Để hiểu rõ hơn về sự nguy hiểm của từng loại, tham khảo Phụ lục B: Các hóa chất và nguyên vật liệu phổ biến).
ISOPROPANOL (IPA) Chứa: Isopropyl alcohol . . . . 70% |
NGUY HIỂM! |
Chất dễ cháy cả ở thể khí và thể lỏng. Gây kích ứng mắt nghiêm trọng khi tiếp xúc. Nếu hít phải gây buồn ngủ hoặc chóng mặt. Thận trọng khi sử dụng: Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, tia lửa điện hoặc lửa. Không hút thuốc. Đóng chặt bình chứa. Tránh hít phải hơi hóa chất. Sử dụng ở nơi thoáng khí. Đeo kính bảo hộ. Hướng dẫn sơ cấp cứu: Nếu hít phải hóa chất, đưa nạn nhân ra nơi thoáng khí để có thể hít thở bình thường. Nếu vẫn cảm thấy không ổn, gọi bác sĩ, xin hỗ trợ y tế. Nếu hóa chất tiếp xúc vào mắt: Rửa với nước sạch trong vài phút. Gỡ bỏ kính áp tròng nếu có. Tiếp tục rửa. Nếu mắt vẫn còn khó chịu, gọi bác sĩ, xin hỗ trợ y tế. Trường hợp khẩn cấp: Trong trường hợp xảy ra cháy, sử dụng vòi phun nước, bọt chữa cháy, hóa chất khô hoặc cacbon dioxit để dập tắt. Được sản xuất bởi: Greediest Chemicals Co. 111 Only Drive, Onlyville, Iowa, 11111 USA. |
CAS #67-63-0 |
Tuy nhiên, có một thực tế là không ai biết rõ độ nguy hiểm của nhiều loại hóa chất bởi chúng chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ về tác động của nó đối với cơ thể và sức khỏe con người. Vì vậy, phải mất rất nhiều thời gian để thực hiện các nghiên cứu khoa học về tác hại của chúng nhưng để đưa ra các quy định pháp lý bảo vệ người lao động còn mất nhiều thời gian hơn. Vấn đề còn phức tạp hơn đối với các nhà khoa học là việc nghiên cứu tác động của hỗn hợp hóa chất tới sức khỏe con người lại không phổ biến. Liệu bạn có thường xuyên chỉ sử dụng một loại hóa chất? Chính vì vậy các công ty chỉ nên sử dụng những loại hóa chất được chứng minh là an toàn.
Đọc kỹ nhãn mác
Mọi thùng chứa hóa chất đều được dán nhãn và viết bằng ngôn ngữ mà mọi người trong nhà máy đều hiểu được. Nếu bình chứa hóa chất mà bạn đang sử dụng không được dán nhãn, hãy hỏi người quản lý trực tiếp để được cung cấp thêm thông tin về loại hóa chất đó. Bạn cũng có thể hỏi nhân viên của bộ phận vận chuyển hóa chất vì nhãn đó có trên thùng chứa lớn để từ đó hóa chất chuyển về chỗ bạn làm việc. Bạn cũng có thể tự mình tìm hiểu lấy thông tin. Ở một số quốc gia, luật pháp quy định hóa chất phải có nhãn với đầy đủ thông tin và bằng nhiều ngôn ngữ.
Phiếu dữ liệu an toàn (SDS)
Các công ty sản xuất sản phẩm hóa chất đều đính kèm một tờ thông tin cho mỗi sản phẩm. Tờ thông tin này gọi là Phiếu dữ liệu an toàn hóa chất (MSDS) hoặc Phiếu dữ liệu an toàn (SDS).
Phiếu dữ liệu an toàn thường dài và khó hiểu. Mặc dù các đầu mục đều giống nhau nhưng nội dung lại khác nhau giữa các công ty, ngay cả với cùng một loại hóa chất. Để biết thêm thông tin, hãy đọc một vài Phiếu dữ liệu an toàn của cùng một loại hóa chất nhưng đến từ các nhà sản xuất khác nhau.
Cách thức lấy và đọc Phiếu dữ liệu an toàn
Ban quản lý nhà máy chắc chắn có một Phiếu dữ liệu an toàn (SDS) cho từng loại hóa chất được sử dụng trong nhà máy. Người sử dụng lao động sẽ phô tô nhiều bản SDS để đưa cho người lao động bằng ngôn ngữ của họ. (Tham khảo mục Quyền được biết rõ về các loại hóa chất).
Trong khi lên kế hoạch yêu cầu người sử dụng lao động cung cấp một Phiếu dữ liệu an toàn mới nhất, bạn cũng có thể lấy chúng theo các cách sau:
- Hỏi những người ký nhận và giữ những thùng hóa chất xem liệu họ có những Phiếu dữ liệu an toàn và có thể photo một bản không.
- Tìm tên và thông tin liên lạc của công ty sản xuất hóa chất được ghi trên nhãn và yêu cầu họ gửi mình một bản SDS bằng ngôn ngữ của mình.
- Hỏi nhân viên trong các tổ chức công đoàn, trung tâm lao động, tổ chức bảo vệ môi trường hoặc các trường đại học để hỗ trợ tìm bản SDS hoặc thông tin về hóa chất.
- Tìm kiếm thông tin hóa chất trên mạng. Tìm kiếm bằng tên và mã số đăng ký CAS (CAS = số định danh cho hóa chất; mỗi hóa chất có một số định danh CAS duy nhất). Tìm trên trang web của các công ty sản xuất cũng như các trang cung cấp SDS từ nhiều nguồn khác nhau. So sánh các bản SDS khác nhau vì chúng có thể có thông tin khác nhau!
Ở Phụ lục B, bạn có thể thấy địa chỉ các trang web mà bạn có thể tìm thêm thông tin về hóa chất. Tuy nhiên, nhiều trang web cung cấp thông tin khó hiểu giống như một bản SDS vậy!
Các nguồn thông tin từ cộng đồng
Công đoàn người lao động, các tổ chức phụ nữ và các tổ chức hoạt động vì môi trường có thể hỗ trợ bạn tiếp cận thông tin. Nếu bạn biết tên của một loại hóa chất, bạn có thể tìm kiếm thông tin trong thư viện và trên mạng. Tuy nhiên nếu thậm chí không biết tên hóa chất, bạn vẫn có thể tìm ra tên của hóa chất nhờ vào cách sử dụng, màu, mùi... Mọi thông tin đều có thể hữu ích cho bạn.
Chúng tôi yêu cầu cần được biết nhà máy đang sử dụng loại hóa chất nào
Vào đầu những năm 1980, một nhóm gồm người lao động, nhà hoạt động vì môi trường, người dân bang New Jersey – Mỹ đã tập hợp yêu cầu chính phủ thông qua đạo luật “Quyền được biết”. Đạo luật này nhằm công nhận quyền của người lao động được biết loại hóa chất mình đang sử dụng tại nơi làm việc.
Người lao động cùng đoàn thể đã đòi người sử dụng lao động phải cho họ biết chính xác loại hóa chất đang sử dụng. Luật pháp vẫn nghiêng về phía người sử dụng lao động, tìm cách chống lại người lao động. Nhiều trường hợp người lao động bị phát ban hay khó thở nhưng người lao động vẫn không hề được biết hóa chất được sử dụng là gì. Họ bảo rằng: “Nếu nói với người lao động và chuyên gia y tế thì ‘bí kíp làm ăn’ sẽ bị lộ và khó có thể cạnh tranh được”. Như vậy, họ thà để người lao động chết dần chết mòn còn hơn là đưa ra thông tin về loại hóa chất được sử dụng.
Mặc dầu, người lao động là đối tượng hàng đầu dễ bị tiếp xúc với hóa chất nhất, họ không phải là đối tượng duy nhất bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với các hóa chất mà họ không hề biết thông tin gì. Không khí và nguồn nước bị ô nhiễm, các đống rác thải hóa học được chôn vùi dưới đất quanh khu vực dân sinh, những sự cố hóa chất hay hỏa hoạn đang làm hại những người dân New Jersey khiến họ cũng vô cùng bất bình!
Chiến lược kết nối người lao động và cộng đồng đã rất hiệu quả. Nó thu hút các nhà hoạt động đến từ rất nhiều lĩnh vực khác nhau như hội các mẹ, hội chính trị gia, hội vì môi trường, đoàn viên các công đoàn cùng giương cao khẩu hiệu: Chúng tôi có Quyền được biết!
Khủng hoảng môi trường đem mọi người gần nhau hơn, cùng hỗ trợ và tổ chức để ra đời đạo luật mới. Cuối cùng đạo luật “Quyền được biết” cũng được thông qua vào năm 1983.
Mặc dù đạo luật “Quyền được biết” là một bước tiến lớn, nó vẫn chưa thể bảo vệ người lao động và cộng đồng trước khả năng bị phơi nhiễm hóa chất độc hại. Trong khi cả ngành công nghiệp hóa chất chỉ trích đạo luật, mọi người vẫn tiếp tục đấu tranh đòi thông tin công khai và an toàn xử lý hóa chất tại nơi làm việc, an toàn thải bỏ hóa chất cũng như các chính sách ngăn chặn các sự cố hóa chất xảy ra và đào tạo nhân lực giải quyết sự cố khi cần.