Hesperian Health Guides
Lưu giữ thông tin về công việc và sức khỏe
HealthWiki > An toàn vệ sinh lao động > Chương 3: Tổ chức ra các nhóm để cải thiện sức khỏe của người lao động > Lưu giữ thông tin về công việc và sức khỏe
Nhiều người sử dụng lao động sẽ không chia sẻ những thông tin này. Dù trong bất kỳ trường hợp nào, tự lưu giữ biên bản về sức khỏe của bản thân và chỉ cho những người lao động khác cùng làm như vậy là một ý tưởng không tồi. Một điều quan trọng cần nhớ khi lưu giữ sổ theo dõi sức khỏe là bạn có thể sử dụng nó ngay cả khi bạn chuyển sang làm công việc khác. Bạn sẽ không đánh mất thông tin về việc tiếp xúc với hóa chất hay số lần bị đau đầu như búa bổ khi bạn chuyển nơi làm việc.
Hãy giữ một cuốn sổ ghi chép riêng
Hãy giữ một bản ghi chép về công việc cũng như tình trạng sức khỏe của bạn, hãy ghi thật chi tiết về điều kiện làm việc, hóa chất đã sử dụng, dấu hiệu về các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là khi bạn bắt đầu làm một công việc mới. Ngoài ra, chụp ảnh hoặc ghi hình nơi làm việc hoặc những chỗ phát ban trên cơ thể cũng là một cách hay có thể giúp ích cho bạn. Thông tin này có thể giúp bác sĩ dễ dàng chẩn đoán vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải. Thông tin này cũng giúp ích cho các luật sư, các chuyên gia ATVSLĐ, các tổ chức công đoàn, nhà báo và cả những người muốn giúp đỡ bạn. Giữ một cuốn sổ ghi chép riêng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về chính cơ thể mình cũng như điều kiện làm việc.
Bạn sẽ thấy biểu tượng này được vẽ rất nhiều trong cuốn sách để nhắc nhở bạn ghi chép những mối nguy hiểm và các vấn đề về sức khỏe gặp phải khi làm việc vào trong sổ. |
Về sức khỏe: Hãy ghi chép một cách ngắn gọn về tình trạng sức khỏe hàng ngày của bạn. Vào những ngày đầu, bạn có thể ghi chép về những chỗ bị đau hay nguyên nhân khiến bạn không khỏe, chẳng hạn như khi bạn bị cảm hoặc phát ban. Nhưng nếu ngày nào bạn cũng ghi chép, dần dần bạn sẽ bắt đầu chú ý nhiều hơn đến cảm giác cũng như những thay đổi của cơ thể mình. Hãy ghi lại thông tin về những cơn đau đầu, chóng mặt, phát ban, và cả những vấn đề về hô hấp, những vấn đề này thường do hóa chất gây ra. Đừng quên ghi cả những vấn đề về sức khỏe có thể không do công việc gây ra. Và nếu bạn có kết quả khám sức khỏe, hãy sao thêm một bản, chụp ảnh lại, hoặc cố gắng ghi lại hết những gì bạn có thể nhớ được.
Về công việc và người sử dụng lao động: Mỗi khi bạn đổi chỗ làm, hãy ghi lại nhiều thông tin nhất có thể về người sử dụng lao động nơi bạn làm việc. Hãy ghi tên công ty, địa chỉ chính xác (chụp ảnh lại nếu có thể), cũng như tên của người sử dụng lao động và người quản lý. Nếu công ty bạn bị chuyển nhượng lại, hoặc thay đổi người sử dụng lao động, đừng quên cập nhật thông tin về việc đó vào sổ ghi chép. Ngoài ra, hãy ghi lại thông tin về những lần tập huấn, kiểm tra sức khỏe, hoặc các giấy chứng nhận bạn đã nhận được trong thời gian làm việc ở đó. Hãy ghi lại những lần thay đổi hóa chất hoặc hóa chất mới trong quá trình sản xuất.
Cùng những người lao động khác kiểm tra lại sổ ghi chép: Hãy cùng xem xét những dấu hiệu sức khỏe hay các vấn đề khác tại nơi làm việc với những người lao động khác cũng có sổ ghi chép như bạn. Hãy tìm xem có vấn đề phổ biến nào xảy ra vào cùng những thời điểm như nhau không. Nguyên nhân của những vấn đề đó là gì? Chẳng hạn như khi các bạn thấy việc thay đổi hóa chất tẩy rửa khiến mọi người bị đau đầu, các bạn có thể yêu cầu người sử dụng lao động sử dụng một chất tẩy rửa tốt hơn và an toàn hơn. Đôi khi, ban ATVSLĐ sẽ thu thập thông tin và tổng hợp vào một cuốn sổ ghi chép chung cho một khu vực làm việc nhất định hoặc toàn bộ nhà máy.
Giúp đỡ đo lường các mối nguy hiểm tại nơi làm việc
Bạn có thể giúp đỡ các chuyên gia ATVSLĐ trong nhà máy bằng cách giám sát và đo lường các mối nguy hiểm. Đây là một hoạt động hữu ích cho một nhóm nhỏ người lao động cùng làm việc tại một khu vực bởi hoạt động này cho phép người lao động tìm được giải pháp và câu trả lời cho câu hỏi: liệu thay đổi có giải quyết được vấn đề đó hay không?
Một số mối nguy hiểm chỉ có thể đo lường bằng các trang thiết bị chuyên dụng hoặc bằng các khâu kiểm tra đặc biệt, ví dụ như khi đo nồng độ hóa chất có trong không khí mà bạn đang hít thở. (Xem mụcXét nghiệm hóa chất). Tuy nhiên bạn cũng có thể đo lường được nhiều dựa vào các giác quan cơ thể.
Dưới đây là một số mối nguy hiểm mà bạn có thể đo lường được, cũng như một số cách để đo chúng:
- Ecgônômi: Hãy đếm xem tay bạn chuyển động bao nhiêu lần khi thao tác với một sản phẩm và bạn làm ra bao nhiêu sản phẩm trong một giờ, một ca, hoặc một ngày.
- Nóng và lạnh: Hãy đo nhiệt độ không khí bằng nhiệt kế.
- Hỏa hoạn: Hãy đếm xem ở nhà máy có bao nhiêu cửa thoát hiểm khi có hỏa hoạn và bao nhiêu cửa ra vào bị khóa trong ca làm. (Tất cả các cửa đều không được khóa!)
- Phân biệt đối xử: Hãy so sánh mức lương của lao động nam và lao động nữ.
- Bạo lực: Hãy đếm xem có bao nhiêu người lao động bị người quản lý dọa nạt hoặc đánh đập.
- Nhà vệ sinh: Hãy đếm xem trong nhà máy có bao nhiêu nhà vệ sinh; trong số đó có bao nhiêu nhà vệ sinh không bị khóa và bao nhiêu nhà vệ sinh được dọn dẹp sạch sẽ.
Hãy ghi lại tất cả các vụ tai nạn xảy ra tại nơi làm việc vào sổ ghi chép cá nhân, ví dụ như đổ hóa chất hoặc bất cứ tình huống nào khiến người lao động phải đối mặt với nguy hiểm. Sau đó đếm xem mỗi tháng có bao nhiêu vụ việc như vậy xảy ra và xảy ra tại khu vực nào trong nhà máy. Điều này sẽ giúp bạn đo lường được mức độ nguy hiểm của một khu vực hoặc tại một thời điểm nhất định. Hãy ghi lại chính xác thời gian, địa điểm, nội dung sự việc và liệu có ai bị chấn thương không, người phụ trách có báo cảnh sát, thanh tra và gọi cứu thương không hay bất cứ thông tin hữu ích nào khác.