Hesperian Health Guides

Xử lý vải bằng thuốc nhuộm và hóa chất

Trong chương này:

Trước khi giao vải cho người lao động may mặc, người ta thường xử lý vải bằng một số hóa chất khác nhau để vải có màu, chống bắt lửa, có độ bền hoặc có các tính chất khác. Tẩy vải giúp vải trắng và dễ nhuộm hơn. Thuốc nhuộm làm cho vải có những màu sắc riêng. Thuốc cẩn màu giúp cải thiện khả năng bám màu của sợi vải. Chất tạo màng và chất gắn màu giúp sợi vải không bị phai màu khi giặt với nước hoặc khi tiếp xúc với mồ hôi.

Hóa chất vẫn còn đọng lại trên vải. Nếu bạn bị phát ban khi xử lý vải, có thể nguyên nhân là do thuốc nhuộm hoặc các hóa chất được sử dụng trong quá trình làm ra sợi vải.

Thuốc nhuộm

Thuốc nhuộm và hóa chất có thể gây kích ứng cho da và gây phát ban, dị ứng hoặc các vấn đề hô hấp.

Rửa tay bằng dung môi sau khi tiếp xúc với thuốc nhuộm cũng có thể gây phát ban, dị ứng và các vấn đề hô hấp. Hãy tránh xa benzene hoặc/benzen các hóa chất có mùi ngọt hoặc dễ chịu. Khi những hóa chất này, được gọi là hydrocarbon thơm, được hít vào cơ thể hoặc thẩm thấu qua da, một số loại có khả năng gây ung thư.

Rượu (chẳng hạn như isopropanol, IPA) ít gây nguy hiểm hơn nhưng chúng vẫn gây kích ứng da. Do đó, hãy rửa tay bằng nước và xà phòng kể cả khi bạn phải mất nhiều thời gian hơn để rửa sạch thuốc nhuộm.

người phụ nữ nói trong khi chỉ vào một áp phích trên tường
Đôi khi màu của vải nhuộm có thể giúp nhận biết loại thuốc nhuộm chúng ta đang tiếp xúc.
Đỏ, cam, vàng = thuốc nhuộm azo
Các màu sáng = thuốc nhuộm triarylmethane
Đen = thuốc nhuộm sulphure
Vải bò xanh = thuốc nhuộm màu chàm indigo
Một số loại thuốc nhuộm azo bị cấm vì chúng có thể gây ung thư và rất có hại đối với sức khỏe Xem Thuốc nhuộm trong Bảng dữ liệu Hóa chất.

Vải không nhăn và chống thấm

Người ta thường cho thêm formaldehyde vào vải để bề mặt vải được trơn nhẵn và giảm nếp nhăn hoặc nếp gấp. Người lao động nhúng vải vào các bể chứa formaldehyde hoặc để vải vào những buồng lớn chứa đầy khí formaldehyde. Người lao động làm việc trong công đoạn này sẽ bị phơi nhiễm với hầu hết formaldehyde; do vậy nếu không có hệ thống thông gió tốt thì tất cả trong số họ sẽ bị phơi nhiễm một lượng formaldehyde đủ để có hại cho sức khỏe.

Formaldehyde khiến da bị mất nước dẫn đến hiện tượng da tấy đỏ và ngứa. Hít phải khí này cũng gây ảnh hưởng xấu tới mũi, họng và phổi. Formaldehyde còn là nguyên nhân gây nên bệnh hen suyễn và ung thư.

Các hóa chất chống cháy

Các hóa chất chống cháy chẳng hạn như các chất chống cháy gốc brôm, giúp quần áo khó bắt lửa. Tuy nhiên, những hóa chất này có thể làm tổn hại hệ sinh sản và gây ung thư.

Các biện pháp sát khuẩn

Áo quần được nhúng vào các bể chứa bạc, triclosan, hoặc trichlocarban. Những hóa chất này ngăn không cho vi khuẩn sinh sôi trong quần áo và gây mùi. Người lao động cho các hóa chất này ở dạng lỏng, bột hoặc viên vào các bể chứa, sau đó đun lên. Khi chúng ta giặt quần áo ở nhà, các chất hóa học khuẩn này cũng dần dần phai đi.

Đặc biệt, bạc rất nguy hiểm vì nó không phân hủy. Nó sẽ tích tụ lại và gây độc hại cho con người, động vật, nước và đất.

Hạt nano

Một số loại hóa chất được sử dụng dưới dạng hạt nano, có nghĩa là các loại hóa chất này được làm thành dạng rất rất nhỏ. Người ta có thể xe những hạt nano này thành các sợi hoặc phủ chúng lên sợi vải sau khi vải đã được dệt xong. Vải được xử lý bằng một loạt các loại hạt nano để bền hơn, chống vi khuẩn, giữ màu lâu, chống nước, không bị hỏng do ánh nắng mặt trời, chống bắt lửa và nhiều tính năng khác nữa.

Các hạt nano này nhỏ đến mức chúng có thể dễ dàng thẩm thấu qua da, sau đó xâm nhập vào máu và các bộ phận khác bên trong cơ thể. Người lao động nên cực kỳ cẩn trọng khi làm việc với hạt nano và nên yêu cầu tất cả các hệ thống an toàn – quây kín, thông gió và các hệ thống khác đều phải hoạt động tốt. Nếu phải tiếp xúc với hạt nano, hãy đeo hai lớp găng tay nitrile; tuy nhiên không ai có thể đảm bảo liệu loại găng tay này có đủ khả năng ngăn ngừa hạt nano hay không.

Tránh tiếp xúc với các loại hóa chất

Để giảm thiểu lượng hóa chất tiếp xúc hoặc thẩm thấu vào cơ thể, bạn cần:

  • Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn, uống, hoặc hút thuốc. Việc này có thể ngăn hóa chất dính vào miệng.
  • Chỉ rửa tay bằng nước và xà phòng. Tránh sử dụng dung môi để rửa tay.
  • Bôi sữa dưỡng da hoặc kem bôi tay ngay sau khi rửa tay để tránh tay bị khô da. Làn da khỏe mạnh có thể tránh hấp thụ hóa chất tốt hơn so với làn da nứt nẻ, mẩn đỏ.
  • Mặc áo dài tay để bảo vệ cánh tay.
  • Đeo loại găng tay bảo hộ đúng loại, đặc biệt khi bạn bổ sung hóa chất cho vải. Xem Găng tay.
  • Đeo mặt nạ. Nếu bạn có thể nhìn, ngửi hoặc cảm nhận được tác động của một hóa chất nào đó, có thể hệ thống thông gió không hoạt động hoặc hoạt động không đủ mạnh để hút hết các hơi hóa chất này, không cho chúng tiếp xúc với mũi và miệng bạn. Xem Khẩu trang và mặt nạ, và Chương 17: Thông gió.
Wgthas Ch5 Page 95-2.png
  • Hãy thông báo cho người sử dụng lao động biết những loại vải nào gây phát ban hoặc các vấn đề về hô hấp. Yêu cầu người sử dụng lao động đổi loại vải đó sang một loại khác không gây phát ban hay các vấn đề sức khỏe khác.


Các vật liệu ngoài vải cũng có thể gây dị ứng và phát ban, chẳng hạn như niken trong đinh tán.

Nếu bạn bị phát ban, hãy tìm cách làm giảm sự khó chịu khi phát ban, đồng thời nhận biết các dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe khác.

Tổ chức để yêu cầu người sử dụng lao động phải:

  • Dán nhãn các hóa chất bằng ngôn ngữ mà người lao đ ộng có thể đọc đư ợc, đồng thời chia sẻ Bảng Chỉ dẫn An toàn/Safety Data Sheets (SDS) với người lao động.
  • Đào tạo tất cả người lao động về việc sử dụng hóa chất an toàn.
  • Nâng cấp thiết bị sản xuất và hệ thống thông gió trước khi cố gắng giải quyết vấn đề bằng các phương tiện bảo vệ cá nhân.
  • Tuân thủ đúng Luật hóa chất của đất nước nơi mình đang làm việc.


Wgthas Ch8 Page 158-1.png

Hãy ghi thông tin về việc phát ban hoặc các vấn đề về hô hấp của bản thân vào một cuốn sổ theo dõi sức khỏe..

Wgthas Ch5 Page 95-1.png
Thông tin về sức khỏe


Trang này đã được cập nhật: 05 tháng 1 2024